MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đất nước 90 triệu dân thì phải cần 2 triệu doanh nghiệp mới đủ mạnh”

Cần có 2 triệu doanh nghiệp thay vì mục tiêu là 1 triệu doanh nghiệp như hiện nay để tưng xứng với tiềm năng và quy mô kinh tế, dân số.

Bởi theo ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm câu lạc bộ nhà kinh tế TPHCM, Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì con số 500 nghìn DN vẫn còn ít ỏi so với dân số trên 90 triệu dân.

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản và các mặt hàng nông nghiệp khác: hồ tiêu, gạo, cà phê, chè, cao su, thủy sản, dệt may, da giày và đồ gỗ. Tuy nhiên, hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn, năng lực cạnh tranh kém.

Nhỏ về quy mô, yếu cả chất lượng

Đặt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại như hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ký kết hiệp định với EU, TPP, Việt Nam-Hàn Quốc… đặt ra nhiều thách thức cho DN. Đa phần, đội ngũ DN đều mới thành lập trong những năm gần đây, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nên còn rất yếu trên nhiều phương diện.

“Qui mô vốn nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, qui trình quản trị doanh nghiệp không hiện đại, tiên tiến. Nguồn nhân lực chủ chốt khi phần lớn đội ngũ CEO chưa qua đào tạo, chưa kinh qua thực tiễn. Dẫn tới, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam rất yếu so với doanh nghiệp các nước tiên tiến” – ông Thành đánh giá.

Theo ông TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia kinh tế, DN trong nước đa phần sử dụng vốn ngắn hạn từ hệ thống ngân hàng, đồng thời lãi suất cao, ở mức 10%/ năm. Trong khi vốn DN nước ngoài sử dụng vốn dài hạn, lãi suất rất thấp từ 1 - 4%/năm, nên lợi thế cạnh tranh cao hơn.

Nguồn nhân lực chủ chốt tại các DN cũng rất yếu, thiếu hẳn đội ngũ Giám đốc điều hành (CEO) chuyên nghiệp. Hiện nay, mặc dù có khoảng 500.000 DN đang hoạt động, nhưng số lượng kinh doanh hiệu quả không nhiều khi theo thống kê chưa đầy đủ thì con số này là không quá 30%.

Không những chất lượng thấp, mà số lượng DN cũng rất hạn chế, khi trong tổng số 941.000 DN đã được thành lập kể từ khi có Luật Doanh nghiệp đến nay, số DN còn hoạt động trong nền kinh tế tính đến hết ngày 31/12/2015 còn khoảng gần 513.000 (chiếm 54,5 %).

Có tới 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể (chiếm 45,5 %). Theo ông Thành, tỷ lệ DN Việt Nam còn hoạt động là quá thấp so với dân số Việt Nam trên 90 triệu dân, cũng như thấp so với các nước tiên tiến như: Mỹ, Thái Lan, Israel, Nhật…

Do đó, ông Thành cho rằng với tổng số trên 90 triệu dân, cần phải có 2 triệu DN kinh doanh hiệu quả và đủ mạnh. Việc xây dựng đội ngũ mạnh, hoạt động hiệu quả sẽ là lực lượng chủ công cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế.

Thay đổi cơ cấu tín dụng, ưu tiên sản xuất

Để đạt mục tiêu trên, ông Thành cho rằng trước hết Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… giảm bớt tín dụng cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Muốn điều chỉnh cơ cấu tín dụng, Ngân hàng phải thay đổi căn bản cách thức cho vay. Tiến hành cho vay chủ yếu theo quản lý dòng tiền, hình thức thế chấp chỉ xem là phụ. Các khu vực cần khuyến khích như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu… cần ưu tiên lãi suất đặc biệt.

Thứ hai, xây dựng và hình thành một hệ thống chính sách kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tập trung các bộ phận, cơ quan, địa phương với nỗ lực cao nhất để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng bộ, hiện đại theo hướng tuân thủ đầy đủ quy luật của thị trường.

Hình thành và đưa vào hoạt động các quỹ bão lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ về mặt hoàn thiện thể chế thông thoáng cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ “mở” thành lập hoạt động tại Việt Nam càng ngày càng tốt. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hình thành hoàn chỉnh hệ thống pháp luật bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam yên tâm làm doanh nghiệp chân chính.

Tuy nhiên, bản thân DN cũng cần phải tái cấu trúc lại, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuẩn bị nội lực, hội nhập quốc tế sâu rộng. Áp lực hội nhập sẽ khiến những ngành đang duy trì chính sách bảo hộ như ô tô, sữa, mía đường, chăn nuôi, thép… sẽ phải chịu sức ép nặng nhất. Do đó, việc hội nhập sâu rộng đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm rõ luật chơi, hiểu sâu hơn về đối tác và văn hóa của họ, phải có ngoại ngữ để giao tiếp.

Theo N. An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên