MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất nước thích bị... đuổi việc nhất: Mất việc này sẽ có việc khác lương cao và đãi ngộ ngon hơn, tất cả là nhờ một chế độ đặc biệt

10-03-2020 - 17:29 PM | Sống

Đối với đa phần chúng ta, bị sa thải là chuyện tổn hại sinh kế và tinh thần. Không có mấy người tự tin và lạc quan, mất việc này thì lại có việc khác. Chỉ riêng tại Thụy Điển, bị đuổi việc là chuyện hết sức… có lợi.

Bị đuổi việc chỉ đơn giản là sự bắt đầu cho một tương lai tốt đẹp hơn

Đất nước thích bị... đuổi việc nhất: Mất việc này sẽ có việc khác lương cao và đãi ngộ ngon hơn, tất cả là nhờ một chế độ đặc biệt - Ảnh 1.

Năm 2016, sinh viên năm cuối ngành thiết kế đồ họa tên là Eva của Thụy Điển vui vẻ rời trường. Cô may mắn xin được việc làm tại Stockholm, yên ổn sáng đến công ty chiều về. Cuộc sống cứ như vậy, cho đến năm 2019. 

Bất ngờ, Eva nghe phong thanh cấp trên dự định cắt giảm công nhân viên. Biết mình thuộc nhóm "thiếu kinh nghiệm" nhất công ty, cô lo lắng đến mất ăn mất ngủ.

Nhìn Eva phờ phạc, các đồng nghiệp tiền bối biết ngay lý do. Họ vỗ về cô đừng lo, vì công ty có liên kết với Trygghetsrådet. Dù có bị sa thải thì cũng sớm kiếm được việc khác "ngon lành" hơn.

Đất nước thích bị... đuổi việc nhất: Mất việc này sẽ có việc khác lương cao và đãi ngộ ngon hơn, tất cả là nhờ một chế độ đặc biệt - Ảnh 2.

Tại Thụy Điển, chuyện sa thải là quá bình thường.

Đúng như những gì các đồng nghiệp nói, Eva bị cho thôi việc vào tháng 6/2019 thì được gửi ngay tới Trygghetsrådet. Tại đây, người ta rà soát hồ sơ của cô và phát hiện các kỹ năng còn thiếu, xếp vào lớp đào tạo bổ sung cấp tốc khóa 8 tuần. Trygghetsrådet còn cử riêng chuyên viên giúp Eva tập trả lời phỏng vấn xin việc.

Kết thúc khóa học, Eva làm CV mới. Qua 15 lần bị từ chối, cô được một nơi nhận vào làm. Nhờ hồ sơ xin việc sáng sủa, nhiều kỹ năng, công ty mới còn duyệt cho cô mức lương cao hơn. Tháng 1/2020, Eva tự tin đảm nhận công việc. 

"Tôi vô cùng hạnh phúc," – cô bày tỏ. "Tôi cứ tưởng rằng mình sẽ phải tự vật lộn, nhưng lại có một sự hỗ trợ bất ngờ."

Và Eva không phải người duy nhất trải nghiệm cảm giác vui vẻ này. "Hầu hết những người đến với chúng tôi đều tin rằng, bị đuổi việc chỉ đơn giản là sự bắt đầu cho một tương lai tốt đẹp hơn," - Erica Sundberg, giám đốc của Trygghetsrådet chi nhánh Stockholm khẳng định.

Trygghetsrådet: Lợi cho lao động thất nghiệp, tiện cho các... sếp

Hẳn là bạn đang hết sức thắc mắc Trygghetsrådet là gì? Xin trả lời, đó là tổ chức bảo hiểm lao động xuyên Thụy Điển. Tổ chức được thành lập bởi liên hiệp các công ty và công đoàn lao động trên khắp cả nước, có tổng cộng 16 phân nhánh - tương ứng với các mảng lĩnh vực ngành nghề kinh tế, và lượng công nhân viên lên đến 950.000 người.

Để tham gia vào Trygghetsrådet, các chủ lao động chỉ việc ký và chấp hành thỏa thuận đóng góp 0,3% tổng thu nhập. Người thu số tiền này là công đoàn lao động. Họ sử dụng nó vào việc thành lập và vận hành các tổ chức, chi nhánh Trygghetsrådet.

Đất nước thích bị... đuổi việc nhất: Mất việc này sẽ có việc khác lương cao và đãi ngộ ngon hơn, tất cả là nhờ một chế độ đặc biệt - Ảnh 3.

Công nhân viên bị sa thải vô ưu vô lo, bởi đã có Trygghetsrådet.

Trygghetsrådet có nhiệm vụ tiếp nhận lao động bị sa thải, hỗ trợ họ rèn luyện, nâng cấp thêm các kỹ năng cần thiết còn thiếu và xin việc làm mới. Chỉ cần là công nhân viên của công ty hay tập đoàn có liên kết với Trygghetsrådet, sau khi bị sa thải đều được nhận sự trợ giúp.

Thời gian hỗ trợ người thất nghiệp của Trygghetsrådet rất dài, lên tới 5 năm (tính từ ngày nghỉ việc). Mọi chi phí đào tạo cấp tốc, nâng cao, tư vấn, thực tập nhập vai phỏng vấn xin việc với chuyên viên… đều do Trygghetsrådet đài thọ.

Nhờ có Trygghetsrådet, công nhân viên Thụy Điển chẳng bao giờ phải lo lắng vụ bị cho nghỉ việc. Họ thậm chí còn thấy bị sa thải là may mắn nữa bởi sau khi rời Trygghetsrådet, mọi người thế nào cũng kiếm được việc làm tốt, lương cao hơn, hoặc chí ít thì cũng phải bằng chỗ cũ.

Cũng nhờ có Trygghetsrådet, các chủ lao động thoải mái thẳng tay sa thải khi cần thiết. Cứ thấy "bộ máy nhân viên" có phần cồng kềnh, kém hiệu suất hay muốn thay đổi nhân công hoặc cắt giảm chi phí, họ liền sẵn sàng xuống tay. Chuyện sa thải bình thường đến nỗi, các công ty thực hiện nó đến cả hàng ngàn lần.

Tái sử dụng lao động thất nghiệp đến 90%

Trung bình mỗi năm, Trygghetsrådet giúp cho khoảng 130.000 lao động bị sa thải tìm được công việc mới. Mặc dù thời gian hỗ trợ lao động thất nghiệp của nó lên đến 5 năm, song chỉ sau 6 tháng hoặc muộn nhất là 1 năm, người bị sa thải đã yên ổn với công việc mới.

Theo thống kê của Thụy Điển, tỷ lệ tái sử dụng lao động thất nghiệp trong nước lên đến 90%. Đây là con số cao kỷ lục. Ngay cả tại những đất nước có tiếng là tái sử dụng lao động cao như Pháp hay Phần Lan, tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 30%.

Đất nước thích bị... đuổi việc nhất: Mất việc này sẽ có việc khác lương cao và đãi ngộ ngon hơn, tất cả là nhờ một chế độ đặc biệt - Ảnh 4.

Trygghetsrådet tạo điều kiện tái sử dụng lao động thất nghiệp tới 90%.

Trong thời đại suy thoái kinh tế toàn cầu ngày nay, Thụy Điển cũng bị ảnh hưởng. Thống kê quý 3/2019 chỉ ra, lượng lao động thất nghiệp tăng hẳn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trygghetsrådet bận rộn hơn hẳn, song vẫn hoàn thành cực kỳ tốt nhiệm vụ. Trừ khi là lao động đã nghỉ việc quá lâu năm hoặc thiếu kỹ năng trầm trọng, còn không thì nó đều lo liệu được tuốt.

Tại Châu Âu, bảo hiểm thất nghiệp không phải quá lạ. Tuy nhiên, đa phần các tổ chức này đều thuộc chính phủ. Nó chỉ hỗ trợ một chút về mặt tài chính, chứ không hề giúp đỡ tìm kiếm việc làm. Người lao động bị sa thải luôn trong nguy cơ tiếp tục thất nghiệp. Họ phải tự mình xoay xở, và thường không kiếm được chỗ làm mới có lương + đãi ngộ tốt hơn.

"Mỗi quốc gia đều nên có một hệ thống bảo hiểm công việc như Trygghetsrådet," - Lars Walter, giáo sư Đại học Gothenburg tự hào đề xuất. Nhiều quốc gia đang nghiêm túc xem xét, học hỏi kinh nghiệm tái sử dụng lao động của Thụy Điển. Với người đi làm, đây là một thông tin đáng trông đợi. Bảo hiểm việc làm không chỉ xoa dịu "cú sốc" bị đuổi việc, mà còn nâng cấp sự tự tin, mở ra nhiều lựa chọn tuyệt vời hơn.

Tham khảo BBC

Theo Vũ Huế

Trí thức trẻ

Trở lên trên