Đặt ra hàng loạt chỉ giới đỏ, các ông Trump và Macron chỉ còn một lựa chọn ở Syria?
Ông Trump, giống như ông Macron, không thể không nói sẽ hành động quân sự nhằm vào chính phủ Syria. Nhưng đánh thế nào không phải là chuyện đơn giản.
- 13-04-2018Tổng thống Trump đang xem xét gia nhập trở lại TPP
- 13-04-2018Tổng thống Trump chưa quyết định không kích Syria, Dow Jones tăng gần 300 điểm
- 12-04-2018Không phải Tomahawk, đây mới là tên lửa "mới, đẹp và thông minh" mà Tổng thống Trump nhắc tới?
Chỉ giới đỏ của Mỹ và đồng minh
Thời hạn 48 tiếng đồng hồ đã trôi qua, thời hạn 72 giờ đồng hồ cũng sắp hết mà tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc tấn công quân sự vào Syria.
Mỹ, Pháp và Anh đã triển khai gần như xong lực lượng quân đội và vũ khí cần thiết cho cuộc tấn công này.
Tham vấn để thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa Mỹ và các đồng minh kia cùng với một vài nước khác nữa trong khu vực Trung Đông và vùng Vịnh cũng đã kết thúc.
Ông Trump vẫn còn suy tính trong nhận thức rõ ràng rằng càng suy tính lâu thì càng mất tính bất ngờ của cuộc tấn công, chính phủ Syria và đồng minh là Nga và Iran càng có thêm thời gian để chuẩn bị và sẵn sàng đối phó nên khả năng thành công lớn của cuộc tấn công càng suy giảm.
Nguy cơ ông Trump và cả tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị coi là nói một đằng làm một nẻo sẽ ngày càng tăng.
Hành động quân sự của các bên liên quan đến tình hình Syria
Nguyên do ở chỗ chính hai người này trong chuyện về Syria đã tự đặt ra cho mình cái gọi là Chỉ giới đỏ nên bây giờ không hành động thì sẽ không thể tránh khỏi bị tổn hại thể diện và sa sút uy danh cá nhân.
Chắc chắn không phải họ không muốn hành động mà chưa dám vội hành động vì e ngại về rủi ro về chính trị, pháp lý quốc tế cũng như quân sự và an ninh.
Không phải họ muốn chờ đợi sự thật được làm sáng tỏ về việc chất độc hoá học đã được sử dụng ở Douma rồi mới quyết định hành động bởi họ đã cho rằng chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hoá học cũng như chính phủ Nga đã đứng sau vụ đầu độc ở Anh.
Họ cũng chẳng quá e ngại phản ứng của Nga vì chỉ cần không đụng chạm gì đến quân đội và khí tài của Nga ở Syria thì chắc Nga sẽ không ngăn cản họ tấn công nhằm vào chính phủ Syria.
Chẳng phải chính tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valeri Gerassinow đã đặt ra chỉ giới đỏ cho hành động quân sự của Phương Tây ở Syria đó hay sao khi nói rõ rằng Nga sẽ đáp trả nếu lực lượng của Nga ở Syria bị đe doạ nguy hiểm.
Vì sao Mỹ chưa ra tay?
Cái khiến ông Trump và đồng minh còn phải chần chừ là chưa xác định được rõ mục đích cốt lõi của trận tấn công này vào Syria, chỉ để trả thù và răn đe chính phủ Syria như lần Mỹ không kích năm ngoái, chỉ chiến tranh vài ngày như tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tiến hành ở Iraq trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước hay phát động cuộc chiến tranh mới thực thụ với mục tiêu cuối cùng là lật đổ chính quyền của ông Bashir al-Assad ở Syria.
Hay nói cách khác, cái khó xử đối với ông Trump và đồng minh không phải là quyết định tấn công một lần và đánh một trận hay không kích nhiều lần trong nhiều ngày mà là phải có chiến lược dài hơi hơn cho sau đó.
Chuyện năm nay ở Syria khác biệt chuyện năm ngoái cũng cả ở đấy. Ông Trump đã cài số lùi khi quả quyết rằng chưa hề tuyên bố là sẽ sớm tiến hành tấn công quân sự vào Syria mà chỉ nói "sẽ". "Sẽ" tức là sẽ hành động, còn bao giờ mới hành động lại là chuyện khác.
Ông Trump, giống như ông Macron, không thể không nói sẽ hành động quân sự nhằm vào chính phủ Syria chính bởi cái chỉ giới đỏ nói trên. Từ trước khi xảy ra chuyện vừa rồi ở Syria, ông Macron đã nhiều lần tuyên cáo rằng Pháp sẽ tấn công nhằm vào chính phủ Syria nếu chính phủ Syria sử dụng vũ khí hoá học.
Sau những tin tức đầu tiên về chuyện mới rồi ở Syria, ông Macron đã nhanh chóng, còn trước cả ông Trump, tuyên bố sẽ tấn công Syria và thậm chí còn nói rõ là nhằm vào những cơ sở và kho tàng hoá chất của chính phủ Syria. Đã đâm lao đến thế, người này giờ không thể không theo lao. Đã nói trước nên giờ buộc phải bước.
Nhưng chuyện tới không dễ dàng chút nào đối với ông Macron vì một mình nước Pháp đâu có thể làm nên trò trống gì ở Syria. Cho nên ông Macron phải cầu Mỹ, phải chủ động tập hợp lực lượng với Ả rập Xê út, Jordani hay Lebanon. Ông lại không muốn làm găng với Iran như ông Trump và sắp tới sẽ còn đi Nga theo dự kiến.
Ông Trump đặt ra cho mình còn nhiều chỉ giới đỏ chứ không chỉ có một. Năm 2013, ông Trump phê trách người tiền nhiệm là Barack Obama trong xử lý chuyện vũ khí hoá học ở Syria thì nay ở vào đúng tình trạng như ông Obama và có những quyết định, làm những hành động mà khi xưa đòi ông Obama không được làm.
Năm ngoái, ông Trump cho phóng 59 tên lửa hành trình. Đó là một chỉ giới đỏ khiến năm nay ông Trump không thể không hành động. Chỉ giới đỏ tiếp theo là ông Trump tuyên bố tất cả những ai liên quan đến vụ chất hoá học ở Douma - cụ thể là chính phủ Syria, Iran và cả Nga - đều sẽ phải trả giá đắt.
Chỉ giới đỏ nữa là ông Trump cho biết sẽ đưa ra quyết định trong vòng 24 đến 48 giờ đồng hồ. Và mới đây nhất là ông Trump tuyên cáo sẽ tấn công tên lửa vào Syria với lời khuyên Nga hãy chuẩn bị sẵn sàng. Cũng lại nói trước nên giờ buộc phải bước. Cũng lại đã đâm lao nên phải theo lao.
Quanh tuyên bố tên lửa nhằm vào Syria
Diễn biến trong tương lai
Bây giờ, ông Trump có những sự lựa chọn nào? Trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), trên dư luận và trên thực địa, Mỹ và Nga lần này đã quá găng với nhau rồi vì những chuyện trước đó nữa và chuyện hiện tại ở Syria, vì Mỹ trừng phạt Nga vừa mới đây, nên rất khó có khả năng Mỹ và Nga dàn xếp tay đôi với nhau để tránh lại xảy ra đụng độ vũ trang như năm 2013.
Nga và Mỹ mà cùng nhau xử lý hoà bình chuyện hiện tại ở Syria đồng nghĩa với việc mối quan hệ song phương này đảo ngược hoàn toàn hoặc rất cơ bản.
Ông Trump chắc sẽ không lặp lại chiến lược của người tiền nhiệm đối với Syria là tăng cường vũ trang cho các lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Syria và dùng lực lượng này để thay đổi thể chế ở Syria. Ông Trump lại còn vừa tuyên bố sẽ sớm rút quân Mỹ ra khỏi Syria, tức là không muốn dính líu lâu dài đến chuyện ở nơi đây.
Vì thế, khả năng này cũng khó xảy ra. Càng khó có khả năng Mỹ và đồng minh phát động cuộc chiến tranh mới ở Syria như đã thấy ở Afghanistan và Iraq bởi thế cuộc đã được phân định rõ rồi ở Syria và đời nào Nga chịu để cho nó bị Mỹ và đồng minh làm cho đảo ngược.
Ông Trump có thể lựa chọn kịch bản chờ LHQ và tổ chức OPCW điều tra rõ ngọn ngành, đưa ra bằng chứng cụ thể và công bố kết luận cuối cùng về sự thật vụ việc rồi mới quyết định hành động.
Khả năng này cũng khó xảy ra vì Mỹ và đồng minh đã cho rằng có chuyện sử dụng vũ khí hoá học cũng như trách nhiệm thuộc về chính phủ Syria, Iran và Nga.
Cho nên nhiều khả năng ông Trump và đồng minh sẽ tiến hành tấn công nhằm vào những sân bay, căn cứ quân sự, không quân và kho tàng hoá chất của quân đội chính phủ Syria, mức độ quyết liệt hơn, phạm vi tấn công rộng hơn và kéo dài vài ngày.
Trừ khi ông Trump và đồng minh tiếp tục trì hoãn cho tới khi cùng nhau đưa ra được chiến lược tổng thể và dài hơn khác của họ cho và ở Syria.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại
Thời Đại