MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất trống trong khu công nghiệp

18-08-2023 - 15:13 PM | Bất động sản

Một trong những tồn đọng tại TPHCM là các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn lãng phí quỹ đất, thuê và cho thuê sai mục đích sử dụng, thậm chí có tình trạng xây dựng sai phép nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Không để lãng phí tài nguyên đất

Kết quả rà soát, thanh tra từ năm 2018 đến 2020, riêng tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) đã lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/2000 giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Tuy nhiên Thanh tra TPHCM phát hiện một số nội dung chưa phù hợp quy hoạch chung được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ban Quản lý KCNC đã có nhiều thiếu sót, vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, cho thuê đất, quản lý tài chính... Việc thiếu sót quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch và sau cấp phép xây dựng đối với một số chủ đầu tư dự án đã khiến KCNC xảy ra tình trạng xây dựng sai phép chậm khắc phục (Nhà máy Jabil Việt Nam, Trung tâm Công nghệ Hàng không, Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV).

Những năm gần đây, Thanh tra Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu UBND TPHCM báo cáo hướng xử lý thực trạng ở nhiều doanh nghiệp thuê đất trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) nhưng không đưa vào khai thác sử dụng, để đất trống kéo dài nhiều năm, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất. Chỉ tính riêng ở KCN Hiệp Phước trong giai đoạn thanh tra đã phát hiện còn trống 41.767,6m2. KCN Lê Minh Xuân 7.273,72m2. KCN Tân Bình khoảng 4.000m2. Đi kèm với lãng phí trong quản lý quỹ đất, tình trạng chậm giải phóng mặt bằng được xác định tổng diện tích lên đến gần 160ha, tập trung tại các KCN Cơ khí ô tô (9,88ha), KCN Hiệp Phước (giai đoạn 2, là 40,4ha), KCN Lê Minh Xuân (6,91ha), Tân Phú Trung (52,6223ha), KCN Tân Tạo (hiện hữu 1,59ha, mở rộng là 3,4ha)…

Được biết, kể từ giữa tháng 5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh, bổ sung các KCN trên địa bàn TPHCM vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng lãng phí quỹ đất hoặc các bất cập, hạn chế các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, TPHCM cần đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ; đảm bảo điều kiện, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản nhà nước.

Trong khi đó, theo ông Phạm Thanh Trực (Phó Trưởng Ban Quản lý các KCX, KCN), hiện TPHCM có 16 KCN và 3 KCX hoạt động, với tổng diện tích khoảng 4.500ha, tỉ lệ lấp đầy đạt hơn 81%, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của thành phố trong nhiều năm qua. Các KCX, KCN trên địa bàn đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động của TPHCM và nhiều địa phương khác tới thành phố làm việc.

Bài toán “giữ chân” người lao động

Trong khi còn tình trạng lãng phí về quỹ đất, nhiều KCN, KCX của TPHCM còn gặp khó khăn khi thiếu hụt lao động.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại của Ban Quản lý các KCX, KCN mới đây, đại diện Công ty TNHH MTV KCN Vĩnh Lộc đã phản ánh tình trạng thiếu hụt lao động của nhiều DN. Đồng thời đề xuất được chính quyền địa phương và Ban Quản lý các KCX, KCN có giải pháp hỗ trợ vấn đề an ninh trật tự cho lực lượng công nhân tại các khu vực nhà trọ xung quanh KCN.

Theo ông Đào Xuân Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp KCN, các vướng mắc, khó khăn trong việc “giữ chân” công nhân là vấn đề thời sự. Việc xây dựng nơi lưu trú và dịch vụ hạ tầng phục vụ công nhân cần phải được chú trọng, trong đó triển khai các dự án về nhà ở xã hội, nhà lưu trú để phục vụ công nhân, người lao động tỉnh về thành phố làm việc. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm hơn về các vấn đề an ninh trật tự, xử lý rác thải, giao thông, giải quyết tình trạng bán hàng rong cũng như các vấn đề an sinh liên quan đến công nhân, người lao động...

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM được giao nghiên cứu đề án “Định hướng phát triển công nghiệp TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó có định hướng về thí điểm chuyển đổi các KCN. Yêu cầu tái cấu trúc các KCN, KCX là tất yếu để hạn chế những ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động. Bên cạnh đó cần tiếp cận nhanh với xu hướng phát triển công nghiệp mới, nhất là việc thu hút các ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, có năng suất lao động, hàm lượng tri thức cao...vào các KCN, KCX hiện hữu của thành phố.

Theo Lê Anh

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên