Đất "vàng" cố đô hóng nhà đầu tư
Nhiều cơ quan nhà nước đã di dời để nhường vị trí đất "vàng" ở đường Lê Lợi cho dự án tổ hợp khách sạn du lịch cao cấp nhưng hiện rất khó tìm chủ đầu tư
- 19-03-2022Thanh Hoá chốt giá khởi điểm hơn 222 tỷ đồng cho khu "đất vàng" 8.000 m2 ở Sầm Sơn
- 18-03-2022Dự án 800 tỷ trên "đất vàng" bị lấn chiếm: Cơ quan chức năng vào cuộc
- 18-03-2022Hậu COVID-19, mặt bằng kinh doanh trên đất vàng bỏ trống
Từ đầu năm 2022, các cơ quan nhà nước đóng ở trục đường Lê Lợi, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đoạn từ đường Bà Huyện Thanh Quan đến Hoàng Hoa Thám, đã di dời nơi làm việc, nhường vị trí đất "vàng" để tỉnh kêu gọi đầu tư.
Loay hoay với căn biệt thự Pháp
Vào tháng 5-2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế chính thức kêu gọi đầu tư 2 dự án tại khu đất số 22-24 và số 26-30A đường Lê Lợi, TP Huế. Tiêu chí của dự án là xây dựng khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao; phương án kiến trúc mang phong cách Pháp, tân cổ điển, Art Nouveau... hài hòa không gian cảnh quan khu vực với các công trình lân cận, tạo điểm nhấn tại khu vực hai bên bờ sông Hương.
Trong đó, khu đất số 22-24 gồm 3 khu nhà làm việc với tổng diện tích xây hơn 4.800 m2, khu đất còn lại gồm 5 khu nhà làm việc với tổng diện tích đất 6.200 m2.
Khu đất 26-30A đang vấp phải vấn đề nan giải liên quan khu biệt thự Pháp được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, từng là trụ sở làm việc của Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tòa nhà này trước đó do xuống cấp nên từng được sửa chữa vào năm 2000 và vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu với đặc điểm nổi bật nên nhiều người rất muốn giữ để lưu lại nét văn hóa kiến trúc đặc trưng cho TP Huế.
Khu biệt thự cũ 26 Lê Lợi, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế
Ông Nguyễn Minh Dũng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đây là công trình xây dựng theo lối kiến trúc khu vực phía Bắc nước Pháp và rất giống những căn nhà được xây vào cùng thời kỳ ở đường Mang Cá, TP Huế. Đặc điểm của biệt thự này là xây bằng gạch, kể cả móng, không có bê-tông cốt thép, tường 2 lớp và dày hơn 30 cm. Dầm được làm theo kiểu chữ Y, lát gạch hoa châu Âu, rui mè bằng gỗ. Vào khoảng năm 1998, căn biệt thự này có hiện tượng nứt nên Sở Xây dựng đã đến khảo sát, sau phải đúc thêm dầm bê-tông chống đỡ để gia cố, bảo đảm an toàn. Ngoài ra, nhiều hạng mục khác cũng được sửa chữa, nâng cấp.
Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đến nay tỉnh vẫn chưa có phương án chính thức quyết định "số phận" của căn biệt thự này. Có 3 phương án được đưa ra, trong đó tỉnh gợi ý để TP Huế xem xét mời "thần đèn" Nguyễn Văn Cư ở TP HCM ra di dời căn biệt thự này sang khu đất đối diện để tái sử dụng. Tuy nhiên, nếu muốn di dời thì phải có đánh giá về kết cấu, độ an toàn, phương án, địa điểm di dời cụ thể. "Cũng có phương án là nên để lại nhưng như vậy sẽ làm cho khu đất kêu gọi dự án bị đứt quãng, nhà đầu tư sẽ khó chấp nhận vì liên quan đến tính hiệu quả trong khai thác" - ông Định nói thêm.
Theo ông Nguyễn Minh Dũng, ông ủng hộ phương án thuê "thần đèn" di dời căn biệt thự nhưng phải tính đến sự an toàn của công trình.
Nhà đầu tư chưa mặn mà
Kiến trúc sư Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng rất khó di dời căn biệt thự này qua bên kia đường vì kết cấu yếu, đã lâu năm. Theo ông Quang, đây cũng không phải công trình đặc biệt nên không nhất thiết phải giữ lại bằng mọi giá.
Trong quyết định kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên - Huế, khu đất số 22-24 Lê Lợi có tổng mức đầu tư hơn 600 tỉ đồng để xây dựng khách sạn bảo đảm đạt tối thiểu 270 phòng, có phòng hội nghị 500 m2 trở lên; phòng họp, khu nhà hàng sân vườn, khu dịch vụ nhà hàng và quầy uống, khu vực dành cho gym - spa - yoga, khu vực cà phê - thư giãn, khu vực hàng lưu niệm, bể bơi và một số dịch vụ khác.
Còn khu đất số 26-30A Lê Lợi có mức đầu tư hơn 700 tỉ đồng, trong đó 4 mặt tiền đường phải bố trí khu thương mại - dịch vụ, tạo không gian thoáng để kết nối với không gian văn hóa - nghệ thuật đường Lê Lợi và bờ sông Hương, khu vực giữa là sân vườn, cảnh quan thiên nhiên xanh để tạo sự thoáng đãng, quầy bar và một số chức năng khác như thư viện, cà phê... Theo quy hoạch, mật độ xây dựng dưới 65%, chiều cao đối với trục đường Lê Lợi từ 18 m trở xuống đối với khoảng cách dưới 14 m tính từ chỉ giới đường đỏ đường Lê Lợi, chiều cao toàn bộ công trình không quá 32 m nếu cách đường Lê Lợi sau 14 m. Bên cạnh đó, việc xây dựng phải bảo đảm độ lùi từ 6 m trở lên đối với chỉ giới đường đỏ đường Lê Lợi; từ 3 m đối với các trục đường còn lại. Đây là khu đất hẹp nên nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng rất khó để kêu gọi đầu tư tổ hợp khách sạn cao cấp như vậy.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay hiện các công trình trên 2 khu đất này còn sử dụng được nên theo quy định phải bán đấu giá. Vì vậy, nhà đầu tư sau khi trúng đấu giá phải đập bỏ các trụ sở này để xây dựng tổ hợp khách sạn cao cấp, dẫn tới tốn thêm khoản chi phí khá cao.
Mặt khác, đây là các khu đất lớn, nhà đầu tư phải trả tiền một lần nên có khả năng ảnh hưởng đến số vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế. "Đã có 5-6 nhà đầu tư tìm đến báo cáo phương án đầu tư nhưng đều không tham gia được bởi các lý do trên. Chúng tôi nghiên cứu các đề xuất và tiếp tục kêu gọi đầu tư với hy vọng có khu tổ hợp khách sạn cao cấp ở khu vực này" - ông Phương cho biết.
Người lao động