MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DATC được quyền cung cấp tài chính hoặc bảo lãnh cho các doanh nghiệp tham gia tái cơ cấu

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

DATC tiền thân là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp được thành lập theo Quyết định số 109 05/6/2003 của Thủ tướng.

Đơn vị này thực hiện đồng thời 2 chức năng là công cụ của Chính phủ để hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN và tổ chức kinh doanh theo cơ chế thị trường.

Nhiệm vụ chủ yếu của DATC gồm: Tiếp nhận và xử lý nợ, tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN; Tiếp nhận và xử lý nợ, tài sản theo chỉ định của Thủ tướng; Mua và xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng theo cơ chế thị trường…

DATC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được công nhận DNNN hạng đặc biệt theo, do Bộ Tài chính đại diện chủ sở hữu.

Sau một thời gian hoạt động, Bộ Tài chính cho biết DATC đã phát sinh một số khó khan, vướng mắc về cơ chế hoạt động. Ngoài ra còn có sự thay đổi thị trường mua, bán nợ cũng như so sánh sự tương đồng về nhiệm vụ với VAMC…

Những lý do này khiến Bộ Tài chính cho rằng cần phải đổi mới.

Theo đó, Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC gồm 5 chương, 40 điều, đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi.

Trong đó, đáng chú ý, về chức năng nhiệm vụ, DATC được bổ sung chức năng là công cụ của Chính phủ tham gia "xử lý nợ xấu của các tổ chức kinh tế, tham gia hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức và có sự quản lý của Nhà nước".

Về các hoạt động, Dự thảo bổ sung một số nội dung như DATC tiếp nhận nợ và tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định.

DATC cũng tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng, là các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý thu hồi cho Nhà nước.

Theo báo cáo của DATC, ngoài các khoản nợ và tài sản tồn đọng tiếp nhận theo chỉ định, có trường hợp doanh nghiệp có các dự án tồn đọng không thể tiếp tục đầu tư để hoàn thành, nếu để dở dang, không tiếp tục thực hiện sẽ gây lãng phí, làm thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước.

Việc bổ sung quy định DATC có chức năng tiếp nhận các tài sản, dự án tồn đọng để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước sẽ tạo thêm các phương án xử lý linh hoạt, đa dạng và có hiệu quả đối với các đối tượng này.

Hiện một số doanh nghiệp mà DATC thực hiện tiếp nhận hoặc mua, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định thì có một số dự án tồn đọng, tuy nhiên do chưa có cơ chế nên DATC không tiếp nhận hay mua lại dự án này để tiếp tục đầu tư, đưa vào vận hành, khai thác hoặc xử lý thu hồi vốn cho Nhà nước.

Ngoài ra, nội dung bổ sung này cũng phù hợp với nhiệm vụ được giao khi thành lập DATC là xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản tồn đọng góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp.

Một điểm mới khác, theo dự thảo, DATC cũng được bổ sung quyền được cung cấp tài chính hoặc bảo lãnh cho các doanh nghiệp được DATC tham gia tái cơ cấu.

Điều này, Bộ Tài chính cho rằng là cần thiết vì đối tượng DATC hỗ trợ là các doanh nghiệp (có vốn góp chi phối của DATC) khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh và xác định đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấu, xử lý tài chính cho doanh nghiệp.

Việc thực hiện các nghiệp vụ trên phải đảm bảo gắn với phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn và phải hỗ trợ cho việc thu hồi nợ và vốn của DATC khi chuyển nhượng, đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên