MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DATC muốn “cơ chế” thoáng hơn để xử lý nợ xấu và hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn

11-12-2018 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Bắt đầu hoạt động từ năm 2004, Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) là doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt có nhiệm vụ mua, bán, xử lý các khoản nợ và tài sản; mua, bán, xử lý các khoản nợ và tài sản gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp. DATC được đánh giá là đã có nhiều đóng góp trong quá trình lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển động theo hướng tích cực, khối DNNN và khối doanh nghiệp tư nhân đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế, DATC cũng đang chờ đợi một cuộc chuyển mình bằng sự thay đổi chính sách từ đơn vị chủ quản và Chính phủ.

Ông Lê Hoàng Hải - Chủ tịch HĐTV DATC đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, sau gần 15 năm gắn bó với các doanh nghiệp trong nước, thành tựu lớn nhất của DATC tính đến thời điểm này là gì?

Trong 15 năm qua, chúng tôi đã mua bán, xử lý nợ và tài sản đạt trên 90.000 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ khoảng 20 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và trên 2.000 doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần qua xử lý nợ xấu và tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản được loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Đặc biệt, DATC đã thực hiện hỗ trợ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu theo chỉ định của Chính phủ tại Ngân hàng Việt Hoa, Eximbank, Vinalines, Vinashin (SBIC) ,Tổng công ty Dâu tằm tơ, Tổng công ty xây dựng đường thủy,,…

DATC đã trực tiếp tham gia tái cơ cấu cho 173 doanh nghiệp, trong đó có 33 DNNN không đủ điều kiện cổ phần hóa. Qua đó không chỉ giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục đóng góp cho ngân sách Nhà nước mà còn tạo điều kiện để hàng ngàn lao động có việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Được thành lập khi khối DNNN đang nắm giữ nhiều vị trí then chốt của nền kinh tế, nhưng sau hơn 1 thập kỷ khối doanh nghiệp tư nhân đã có sự vươn lên rất mạnh mẽ. Trong tình hình mới này, khách hàng của DATC liệu có bị hạn chế trong phạm vi là các DNNN nữa không, thưa ông?

Vào thời điểm những năm 2004 thì mục tiêu của DATC chủ yếu hướng tới là hỗ trợ các DNNN. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay số lượng DNNN ngày càng thu hẹp, nền kinh tế đã xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân vừa và lớn, nợ xấu ở khối doanh nghiệp này cũng gia tăng. Vì vậy đối tượng phục vụ của chúng tôi sẽ không chỉ là DNNN như trước đây nữa. Phạm vi khách hàng sẽ được mở rộng bao gồm cả khu vực doanh nghiệp tư nhân với tính chất sở hữu và hoạt động khác biệt so với DNNN.

Căn cứ theo tình hình kinh doanh thực tế của các DNNN và khối doanh nghiệp tư nhân, ông có đánh giá như thế nào về nhu cầu xử lý nợ xấu hiện nay của DATC nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế?

Nhu cầu xử lý nợ xấu của DATC còn khá lớn. Trong báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội khóa XII (06/2017) thì tỷ lệ nợ xấu phát sinh hàng năm khoảng từ 1,3 % - 1,5% dựa trên tổng dư nợ cho vay. Với mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân 16%/năm thì dự kiến số nợ xấu phát sinh trong 5 năm tới (2017 - 2022) là khoảng 350.000 tỷ đồng. Mục tiêu duy trì nợ xấu dưới ngưỡng 3% thì tổng nợ xấu trong 5 năm tới tương đương mức 640.000 tỷ đồng. Như vậy trung bình phải xử lý gần 130.000 tỷ đồng/năm trong vòng 5 năm tới. Vì vậy, theo tôi không chỉ DATC mà cả VAMC và hệ thống các AMC của ngân hàng thương mại cũng như các thành phần kinh tế khác (được thành lập theo Nghị định số 69/2016/NĐ-CP) phải hết sức nỗ lực mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra về xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và củng cố ổn định nền tài chính quốc gia.

Ngoài vấn đề về phạm vi hoạt động, hiện nay DATC còn phải đối mặt với những khó khăn nào trong quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các doanh nghiệp?

Đối với việc xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp, thực tế về cơ chế hoạt động của DATC hiện nay cũng còn nhiều vướng mắc, ví dụ như lợi ích của việc xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp rất lớn nhưng thực tế DATC đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu cơ chế mua nợ để tái cơ cấu phục hồi doanh nghiệp. Vì để tái cơ cấu doanh nghiệp đang kinh doanh thua lỗ, lâm vào tình trạng phá sản thì phải có được một khoản chênh lệch giá từ mua bán nợ để tái cơ cấu về tài chính cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất ở đây là đa phần các doanh nghiệp có nhiều chủ nợ (không chỉ 1 ngân hàng), một số ngân hàng là chủ nợ đồng ý bán nợ nhưng một số khác lại chỉ tập trung thu nợ của mình, dẫn đến việc thu tài sản, khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản. Để thực hiện xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp thành công, cần phải có sự đồng thuận từ các chủ nợ, từ đó dành đủ chênh lệch giữa giá mua và giá trị nợ để xử lý.

Ngoài ra, về phía Chính phủ cũng chưa có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp sau tái cơ cấu để phục hồi ổn định sản xuất kinh doanh. Phần lớn doanh nghiệp sau tái cơ cấu rất yếu về tài chính nhưng không tiếp cận được nguồn vốn từ phía ngân hàng đề đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, DATC cũng chưa có cơ chế để bảo lãnh hoặc hỗ trợ vốn cho những doanh nghiệp này. Mặt khác, DATC chưa có cơ chế buộc các chủ nợ khác phối hợp để tái cơ cấu cho doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn vì chỉ có DATC xóa nợ (gốc và lãi) để giúp doanh nghiệp cân bằng tài chính, còn các chủ nợ khác vẫn tính và thu lãi, bao gồm cả lãi phạt (phạt chậm trả nợ vay, chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội trước đây). Một số doanh nghiệp sau tái cơ cấu vẫn phải dừng sản xuất kinh doanh vì bị thu hồi hóa đơn và bị khởi kiện vì nợ bảo hiểm xã hội.

DATC chưa có cơ chế phù hợp cho việc mua và xử lý nợ xấu đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện để tái cơ cấu tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải thực hiện phá sản và thu hồi được rất ít nếu so với bán nợ cho DATC để tái cơ cấu vì tài sản bị xuống cấp, mất mát, mất giá trong quá trình xử lý, thi hành án… chưa nói sẽ kéo theo Nhà nước mất nguồn thu (vì doanh nghiệp bị phá sản, dừng hoạt động), người lao động bị mất việc làm tạo nguy cơ bất ổn trên địa bàn.

Về hoạt động thoái vốn, bán nợ, cũng như SCIC và các AMC khác, DATC cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc về cơ chế thoái vốn như mất nhiều thời gian đăng ký thủ tục thoái vốn thông qua Ủy ban chứng khoán nhà nước, trong khi tại các Sở giao dịch chứng khoán lại chưa có cơ chế thoái vốn cả lô, thoái vốn cả lô kèm nợ phải thu. Việc thoái vốn theo cơ chế tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP lại chưa có hướng dẫn cụ thể về chuyển nhượng lô vốn góp kèm nợ phải thu, cũng như chưa làm rõ việc bán đấu giá không thành công thì có được điều chỉnh giảm giá khởi điểm bán đấu giá,…

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên