MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu chỉ là cạnh tranh với Netflix, dịch vụ truyền hình OTT trong nước còn muôn vàn "nỗi khổ"

Bao nhiêu người trong số chúng ta nói không với "phim lậu"?

Xu thế chuyển đổi số hiện nay khiến các doanh nghiệp đang bắt đầu thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới. Lĩnh vực thông tin và truyền thông cũng không phải là ngoại lệ.

Dịch vụ OTT TV là một loại hình truyền hình trả tiền tuy còn khá mới nhưng đã có con số ấn tượng về thuê bao, khiến nhiều người lạc quan về sự chuyển đổi công nghệ của thị trường truyền hình trả tiền. Tuy nhiên, trong “cuộc đua” OTT truyền hình, các doanh nghiệp trong nước đang phải đối diện với một thực tế rất khác.

Trong số các hình dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam như: Truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình kỹ thuật số thì truyền hình OTT là loại hình còn non trẻ nhất.

Đâu chỉ là cạnh tranh với Netflix, dịch vụ truyền hình OTT trong nước còn muôn vàn nỗi khổ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lê Tân, Phó giám đốc Trung tâm Nội dung số, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC nhận xét: “Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT truyền hình, trong đó có cả VTC đều nhìn thấy là tốc độ tăng trưởng của quảng cáo online qua các năm đều tăng, còn tốc độ của quảng cáo truyền hình đang chậm lại. Vì thế, việc đầu tư vào OTT truyền hình là điều tất yếu, là xu hướng buộc phải đi, dù trong giai đoạn này hầu hết đều… đang lỗ.

So sánh với dịch vụ truyền thống, mỗi thuê bao đều sẽ đóng phí hàng tháng, nhà cung cấp dịch vụ sẽ có dòng tiền ổn định. Điều này trái ngược với OTT, khi mà nhà cung cấp dịch vụ OTT đều có doanh thu dựa vào quảng cáo và chỉ mới nhìn thấy tương lai trên những con số, họ không có tiền ngay và cũng không quay vòng vốn được ngay”, ông Tân cho biết.

Để phát triển thành công dịch vụ OTT truyền hình, cần đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện. Trong đó, điều kiện tiên quyết là nền tảng Internet; điều kiện thứ hai là chính sách hỗ trợ của nhà nước về OTT và điều kiện thứ ba cũng là điều kiện quan trọng nhất, mỗi đài cần có nội dung đặc sắc và định hình được vị trí trong lòng khán giả. Tuy nhiên, hiện tại các nhà đài ở Việt Nam chưa có nền tảng Internet thực sự tốt; chính sách hỗ trợ của nhà nước cho sự phát triển của OTT chưa hoàn thiện. 

Báo cáo Chính sách OTT ở châu Á của Hiệp hội Công nghiệp Video châu Á (Avia) cho biết: "Dịch vụ truyền hình trả tiền và các dịch vụ truyền hình OTT ở Việt Nam đều được quản lý bởi Cục Phát Thanh, Truyền Hình và Thông tin điện tử (ABEI) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC). Bộ Thông tin và Truyền thông đã có các quy định các dịch vụ thông tin qua biên giới internet từ năm 2016, nhưng việc áp dụng các quy định này cho các dịch vụ OTT TV thì vẫn còn mơ hồ".

Đâu chỉ là cạnh tranh với Netflix, dịch vụ truyền hình OTT trong nước còn muôn vàn nỗi khổ - Ảnh 2.

Sau 3 năm, kể từ năm 2015 đến 2018 (thời điểm báo cáo phát hành), các chính sách điều tiết dịch vụ OTT TV của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể (ngang với Singapore và hơn rất nhiều các quốc gia châu Á khác), hơn nữa còn đang để xuất ra các quy định để hoàn thiện cơ chế quản lý dịch vụ này, nhưng dường như các doanh nghiệp kinh doanh OTT vẫn còn đang "gặp khó" trong kinh doanh.

Báo cáo gợi ý, khi đưa ra các chính sách cho các dịch vụ OTT và truyền hình trả tiền truyền thống, các Chính phủ nên ghi nhớ thực tế cạnh tranh khắc nghiệt với đầy rẫy các bên cung cấp dịch vụ lậu vi phạm bản quyền. Càng nhiều gánh nặng pháp lý đặt lên các dịch vụ làm ăn hợp pháp thì càng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho vi phạm bản quyền.

Báo cáo cũng cho rằng, Luật bản quyền ở Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cơ bản, nhưng việc thực thi rất hạn chế. Không chỉ phải cạnh tranh với các dịch vụ OTT TV nước ngoài, điển hình là Netflix, dịch vụ OTT trong nước hiện nay còn phải đối mặt với thách thức đến từ tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan trên các trang phim lậu. Nếu vấn đề vi phạm bản quyền không được giải quyết thì các đơn vị kinh doanh nội dung hợp pháp không cách nào phát triển được.

Thái Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên