Đấu giá tài sản: Đặt cọc bao nhiêu để tránh thông đồng, 'thổi giá'?
Đại biểu Quốc hội cho rằng, với những tài sản có ảnh hưởng lớn như tài chính, đất đai, mức cọc phải từ 20-30% để tránh việc bỏ cọc sau khi đã đẩy giá lên tạo ra tín hiệu sai lệch cho thị trường.
- 13-12-2016Loại bỏ “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản
- 31-10-2016Liệu có tiếp tục mất tiền khi đấu giá tài sản nhà nước?
Sáng 26/9, Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động đấu giá tài sản; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản và bổ sung 1 Điều mới, quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan…
Tại phiên họp, một số ý kiến băn khoăn với việc bỏ quy định các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá, vì cho rằng chức danh đấu giá viên có những đặc điểm khác với các chức danh bổ trợ tư pháp khác. Do đó, chỉ cần khuyến khích tham gia bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hành nghề đấu giá, nếu quy định cứng các đấu giá viên bắt buộc phải tham gia đào tạo nghề đấu giá sẽ “làm khó” cá nhân đấu giá viên và đơn vị tổ chức đấu giá.
Một điểm mới đáng chú ý của dự án Luật là bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù, bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án.
Qua đó, thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá dài hơn so với tài sản thông thường; cách thức xác định tiền đặt trước trong trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền hoặc theo số lượng khối tài sản và giá khởi điểm cao nhất…
Đáng lưu ý, đấu giá quyền sử dụng đất là nội dung rất quan trọng nhưng đang bộc lộ nhiều bất cập, như thông đồng thổi giá, dìm giá, dẫn đến làm lợi bất chính cho một số cá nhân, tổ chức. Do vậy, một số ý kiến đề nghị, cần quy định cụ thể để hạn chế tính trạng trên; nâng mức tiền đặt cọc tương xứng với giá trị của hàng hóa đấu giá...
Đại biểu cho rằng, mức đặt cọc của các hàng hóa khác nhau cần quy định khác nhau. Đặc biệt, những tài sản có ảnh hưởng lớn như tài chính, đất đai thì mức cọc phải từ 20- 30% để tránh việc bỏ cọc sau khi đã đẩy giá lên tạo ra tín hiệu sai lệch cho thị trường.
Theo Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm, vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, giá đất bị thổi giá lên nhiều lần, dẫn đến nguy cơ bong bóng, đổ vỡ cả thị trường.
Ông Lâm cho rằng, tỷ lệ tối đa không thể là 20%, nếu để tỷ lệ này thì có thể một nhóm vẫn có thể phối hợp thao túng, vẫn sẵn sàng thổi giá trong cuộc đấu giá để thổi giá thị trường nhằm bán các khu đất khác.
Bên cạnh đó cũng cần quy định là mức giá tối đa gấp bao nhiêu lần đặt cọc, vì một số người xác định sẽ bỏ cọc nên có thể thổi lên rất cao. Để chống thao túng trong đấu giá, theo ông cần đấu giá qua mạng như hình thức đấu thầu.
Về mức cọc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long lý giải, sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc kỹ nhưng cũng không thể nâng lên quá cao được. Mức thông thường chỉ từ 5 - 20%, nếu nâng lên quá cao sẽ loại bỏ người muốn mua.
Tiền phong