MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dấu hỏi minh bạch công bố thông tin trái phiếu doanh nghiệp

11-04-2022 - 10:24 AM | Doanh nghiệp

Nhà đầu tư bức xúc trước tình trạng các tổ chức phát hành trái phiếu công bố thông tin rất sơ sài, không đầy đủ, vi phạm quy định và ảnh hưởng tới quyền lợi nhà đầu tư. Ảnh: Trọng Hiếu

Nhà đầu tư bức xúc trước tình trạng các tổ chức phát hành trái phiếu công bố thông tin rất sơ sài, không đầy đủ, vi phạm quy định và ảnh hưởng tới quyền lợi nhà đầu tư. Ảnh: Trọng Hiếu

Trong khoảng nửa năm qua, báo cáo kết quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp được công bố theo kiểu cho có, thiếu đi nhiều thông tin quan trọng như lãi suất, tài sản đảm bảo, mục đích phát hành..., có dấu hiệu làm trái quy định tại Thông tư 122/2020 và đi ngược với tinh thần minh bạch của Nghị định 153/2020.


Sau giai đoạn bùng nổ của thị trường trái phiếu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 153 (ngày 31/12/2020) thay thế Nghị định 163 và Nghị định 81 sửa đổi, với tinh thần hướng đến mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững, lành mạnh hóa thị trường, và minh bạch thông tin.

Việc tiếp tục đẩy mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là hướng đi hợp lý để phát triển thị trường vốn, giảm áp lực cho thị trường tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng phải giảm tỷ lệ cho vay trung và dài hạn.

Dù vậy, sự việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 10.030 tỷ đồng của nhóm Tân Hoàng Minh vừa qua do các vi phạm phần nào cho thấy thị trường trái phiếu đang rất lộn xộn, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Trong 9 đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh, gần nhất, CTCP Cung điện Mùa Đông ngày 21/2/2022 hoàn tất phát hành lô 3.230 tỷ đồng. Bản công bố kết quả phát hành trái phiếu đăng tải trên HNX chỉ có một vài thông tin rất sơ sài như kỳ hạn 4 năm, mã trái phiếu, không có các thông tin quan trọng như lãi suất, tài sản đảm bảo, mục đích phát hành, danh sách - cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu...

 Dấu hỏi minh bạch công bố thông tin trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.
Bản công bố thông tin theo kiểu "cho có" của Cung điện Mùa Đông. Nguồn: HNX

Thông tư số 122/2020 của Bộ Tài chính nêu rõ nội dung công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu thị trường trong nước gồm: Thông tin doanh nghiệp, mã trái phiếu, điều kiện, điều khoản trái phiếu (gồm khối lượng phát hành, kỳ hạn, loại hình trái phiếu, lãi suất danh nghĩa và kỳ hạn trả lãi, lãi suất phát hành thực tế…); ngày phát hành và ngày đáo hạn, mục đích phát hành, phương thức phát hành, trái chủ, các tổ chức liên quan tới đợt chào bán…

Tuy vậy, thống kê của Nhadautu.vn cho thấy trên chuyên trang phát hành trái phiếu của HNX ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay chỉ có 12/252 đợt phát hành công bố tương đối đầy đủ thông tin theo quy định tại Thông tư 122, tương đương tỷ lệ vỏn vẹn là 4,7%. Phần còn lại, hầu hết chỉ báo cáo sơ sài, "chiếu lệ".

Trong số này có nhiều lô trái phiếu giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng của các pháp nhân nằm trong những “Group” lớn, như nhóm CTCP Đầu tư Xây dựng Trường Khải (2.990 tỷ đồng), CTCP Xây dựng Minh Trường Phú (2.950 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng), CTCP Bông Sen (4.800 tỷ đồng) với tổng giá trị trái phiếu từ đầu năm 2022 lên đến 14.670 tỷ đồng.

Hay, một “Group” khác năm 2022 cũng huy động 3.562,5 tỷ đồng với các pháp nhân: CTCP Signo Land (1.366,6 tỷ đồng), CTCP Mua bán nợ Thuận Minh (495,9 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức (1.700 tỷ đồng).

Thậm chí, nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán - những tổ chức chuyên nghiệp trên thị trường tài chính - cũng công bố thông tin sơ sài như: Ngân hàng TMCP Bản Việt, Ngân hàng TMCP Á Châu, CTCP Chứng khoán Kỹ thương, CTCP Chứng khoán Rồng Việt, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín, CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương, CTCP Chứng khoán An Bình, Ngân hàng TMCP Quân Đội…

Những số liệu tóm gọn như trên rõ ràng không thể cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư. Đáng chú ý, việc gần như tất cả các báo cáo đều có chung một mẫu trình bày dẫn đến nhiều nghi ngại các tổ chức phát hành đã được "mách nước" để lách quy định công bố thông tin.

Chưa dừng lại ở đó, điểm a Khoản 2 Điều 21 Nghị định 153 quy định doanh nghiệp phải công bố báo cáo tài chính 6 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán (nếu có); báo cáo tài chính chưa kiểm toán được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận các số liệu; Điểm b và điểm c điều khoản này quy định doanh nghiệp phải công bố tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu; báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu.

Tuy vậy, quan sát của Nhadautu.vn cho thấy chỉ lác đác vài đơn vị công bố, cũng chỉ với một vài thông tin cơ bản như nguồn vốn, tỷ lệ nợ vay, lãi sau thuế, chứ không phải toàn văn báo cáo tài chính. Ngoài ra, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu - một báo cáo rất quan trọng gần như không được công bố.

Sự “xộc xệch” của việc áp dụng Nghị định 153 và Thông tư 122 không khỏi khiến giới đầu tư đặt ra dấu hỏi trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đây là vấn đề rất đáng bàn, khi quá trình tăng trưởng nóng, thiếu kiểm soát trong 4 năm qua đang đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào trạng thái rủi ro, mà sự việc Tân Hoàng Minh vừa qua rõ ràng là một lời cảnh tỉnh có trọng lượng.

Ngày 7/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBCKNN khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản.

Theo Huy Ngọc

Nhà đầu tư

Trở lên trên