Đâu là các công ty có chất lượng quản trị hàng đầu Việt Nam?
FPT là cái tên nằm trong nhóm 3 công ty có chất lượng quản trị tốt nhất Việt Nam năm 2019, theo chuẩn khu vực ASEAN. Trong đó FPT được đánh giá cao nhờ hoạt động quản trị khác biệt và tiên phong, đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Giải thưởng vinh danh những công ty quản trị tốt nhất Việt Nam
Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF) vừa công bố giải thưởng ACGS năm 2019 – vinh danh tại mỗi quốc gia ASEAN 3 công ty niêm yết có chất lượng quản trị tốt nhất. Tại Việt Nam, FPT là cái tên lọt vào nhóm 3 công ty quản trị tốt nhất.
Sáng kiến Thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN (ACGS) được ACMF triển khai từ năm 2011 nhằm nâng cao năng lực thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong khu vực.
Theo VIOD – đơn vị đại diện chấm điểm các công ty Việt Nam, ACGS năm nay có sự tham gia của 582 doanh nghiệp trong khối ASEAN, trong đó Việt Nam có 82 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn vào danh sách chấm điểm. Giải thưởng này như là một nền tảng hiệu quả để thúc đẩy thực hành quản trị công ty tốt trong khu vực đồng thời giúp quảng bá hình ảnh các tài sản đầu tư có chất lượng ra ngoài ASEAN; bởi nhà đầu tư đặc biệt chú ý những doanh nghiệp có giá trị vốn hoá lớn, thanh khoản cao và quan trọng nhất là có quản trị tốt.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã phơi bày những lỗ hổng trong hoạt động quản trị và vận hành kinh tế, qua đó càng cho thấy tầm quan trọng của hoạt động này. Những doanh nghiệp càng quản trị chuyên nghiệp, bài bản sẽ càng nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chọi và phục hồi trong mọi kịch bản.
Thực tế cho thấy sự phân hóa rõ nét đối với khối doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Các đơn vị có chất lượng quản trị tốt, hoạt động kinh doanh bền vững thì có khả năng chống chọi tốt hơn với biến động thị trường, so với nhóm còn lại. Một số công ty hàng đầu còn vươn tầm ra quốc tế như FPT, Vinamilk.
Công ty Việt Nam thăng hạng chất lượng quản trị
Chất lượng quản trị tại các công ty Việt Nam đã được nâng lên, chẳng hạn FPT và Novaland từ top 10 năm 2017 đã leo lên top 3 trong lần đánh giá này.
Thực tế cho thấy 3 công ty có điểm quản trị tốt nhất Việt Nam trên là những doanh nghiệp quy mô vốn hóa lớn trên hàng chục nghìn tỷ đồng, hoạt động kinh doanh ổn định giúp chia cổ tức đều đặn và có truyền thống quản trị công ty hiệu quả.
Trong đó, FPT đã giành hàng loạt giải thưởng quản trị lớn trước đó như Top 5 công ty quản trị tốt nhất Việt Nam bởi tạp chí tài chính Asia Money, top 5 báo cáo thường niên tốt nhất và top 5 quản trị công ty tốt nhất nhóm vốn hóa lớn do HoSE đồng tổ chức…
FPT cũng được đánh giá là đơn vị có sự cởi mở hơn với các cổ đông, nhà đầu tư và giới truyền thông. Năm ngoái, Công ty công nghệ này tổ chức hơn 100 buổi hội thảo, gặp mặt để giải đáp thắc mắc cho giới đầu tư, thường xuyên chủ động đưa thông tin về hoạt động của doanh nghiệp ra bên ngoài và là đơn vị đầu tiên và hiếm hoi trên thị trường chứng khoán Việt Nam thực hiện công bố kết quả kinh doanh hàng tháng (bằng cả định dạng tiếng Anh).
Cùng là doanh nghiệp trong nhóm VN30 - nhóm các công ty có cho quy mô vốn hóa lớn nhất và mức độ phức tạp cao trong công tác lập báo cáo, nhưng FPT lại là một trong những công ty công bố báo cáo tài chính sớm nhất đến cổ đông.
Những hoạt động quản trị khác biệt như trên của FPT được giới đầu tư đánh giá cao, đặc biệt là khối ngoại. Trong 3 đơn vị được vinh danh cao nhất, FPT là công ty đang kín room ngoại ở mức 49% (tỷ lệ sở hữu tối đa của nước ngoài). Một báo cáo của Dragon Capital hồi quý II cho biết khối ngoại sẵn sàng trả chênh đến 20% so với thị giá để có thể mua thêm cổ phần này.
Các tiêu chí đánh giá được thực hiện độc lập bởi các chuyên gia từ ACGS, dựa trên 1 bộ tiêu chí chung áp dụng cho 6 nước tham gia là Vietnam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Trong 5 nội dung đánh giá quản trị cấp độ doanh nghiệp thì trách nhiệm của Hội đồng quản trị cùng tính minh bạch thông tin là hai nội dung có tỷ trọng cao nhất, lần lượt là chiếm 40% và 25%.
Các nội dung và tỷ trọng chấm điểm ACGS năm 2019.
Quản trị tốt không chỉ giúp quảng bá chất lượng doanh nghiệp, mà tựu chung còn giúp cải thiện hình ảnh cho toàn thị trường, qua đó giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nhanh chóng đạt mục tiêu nâng hạng thị trường.
Theo MSCI, để được nâng hạng, bên cạnh nhiều tiêu chí định lượng như vốn hoá, mức độ thanh khoản, mức độ tự do lưu chuyển vốn, nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài… tổ chức này còn đưa ra các khía cạnh quan trọng về quản trị mang yếu tố định tính như: đảm bảo bảo vệ quyền nhà đầu tư, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư, đảm bảo minh bạch thông tin, đảm bảo công bố thông tin bằng tiếng Anh…