MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dấu mốc xanh mới trong dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Nhân dịp tham dự Hội nghị COP26 tại Vương Quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp trực tiếp với Giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO vào sáng ngày 1/11 tại Glassgow. Thủ tướng mong muốn sớm được chứng kiến các sản phẩm của Lego được ra đời tại Việt Nam.

Nhân dịp tham dự Hội nghị COP26 tại Vương Quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp trực tiếp với Giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO vào sáng ngày 1/11 tại Glassgow. Thủ tướng mong muốn sớm được chứng kiến các sản phẩm của Lego được ra đời tại Việt Nam.

Nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) tại Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho sự ủng hộ của nhà đầu tư đối với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Ngày 8/12, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã có buổi ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ ngành.

Theo kế hoạch, đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO và sẽ bao gồm cả phần đầu tư cho sản xuất năng lượng mặt trời. Dự án của tập đoàn có quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD vào khu đất rộng 44 ha tại tỉnh Bình Dương, mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới. Việc khởi công được dự kiến triển khai vào nửa cuối năm 2022 và nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024.

Đây là một minh chứng rõ ràng cho sự ủng hộ của nhà đầu tư đối với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Hào hứng và lạc quan trước động thái của LEGO, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhận định, cam kết của Việt Nam tại COP26 sẽ tiếp tục thúc đẩy các nhà đầu tư coi năng lượng xanh là tương lai đầu tư vào Việt Nam.

Đi đầu xu hướng này, như chúng ta đang thấy là LEGO, một doanh nghiệp của  Đan Mạch. Quốc gia này là một trong số ít các quốc gia đã thông qua các mục tiêu trung hòa carbon thành luật. Cùng với Thụy Điển và Na Uy, Đan Mạch hiện đang đứng đầu trong Chỉ số chuyển đổi năng lượng mới nhất (ETI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. ETI xếp hạng 115 quốc gia về hiệu suất năng lượng của họ, bao gồm khả năng phục hồi và hiệu quả của việc sản xuất và truyền tải, cũng như tiến tới các dạng năng lượng sạch hơn.

"Ngoài động lực từ Chính phủ Đan Mạch, Tập đoàn LEGO đầu tư vào dự án nhà máy trung hòa carbon ở Việt Nam cũng vì chính lợi ích và uy tín của họ. Phát triển kinh tế xanh đã là xu thế tất yếu, quy luật thị trường sẽ loại thải dần những doanh nghiệp không đạt tiêu chí xanh. Đặc biệt, hàng hóa ra thị trường thế giới sẽ bị đánh thuế carbon ngày càng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ví dụ tại Châu Âu, dự kiến khu vực này sẽ áp dụng thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu từ năm 2023. Khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu bị đánh thuế nếu sử dụng điện sản xuất từ các nhà máy điện than. Các công cụ kinh tế này buộc doanh nghiệp, dù muốn hay không, cũng phải thay đổi, chuyển sang hướng sản xuất xanh, sạch hơn", vị chuyên gia phân tích.

Từ khía cạnh chuyên môn, chuyên gia năng lượng - TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) giải thích, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ cao để bảo đảm không bị ô nhiễm môi trường, khói bụi và chất thải. Với trường hợp của LEGO, theo kế hoạch, nhà máy mới sẽ được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái và VSIP sẽ thay mặt LEGO xây dựng một dự án năng lượng mặt trời kế bên.

Như vậy, để đảm bảo đủ nguồn năng lượng tái tạo cho nhà máy hoạt động, Tập đoàn LEGO chắc chắn sẽ cần đầu tư thêm thiết bị dự trữ năng lượng, khắc phục điểm yếu của năng lượng mặt trời, luôn dư thừa vào ban ngày và thiếu hụt vào ban đêm. Trên thị trường hiện nay, công nghệ dự trữ năng lượng có nhiều, song phổ biến nhất là công nghệ pin lithium ion. Nếu thị trường ngày càng phát triển, giá thành của sản phẩm này sẽ trở nên cạnh tranh hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại.

Thông tin thêm về dự án nhà máy tỷ USD, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương cho biết, trước khi biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa Tập đoàn LEGO và VSIP, trong năm qua, Tập đoàn LEGO và tỉnh Bình Dương đã gặp gỡ, trao đổi, làm việc với nhau nhiều lần.

"Tập đoàn LEGO là một trong những tập đoàn sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới. Do vậy, chúng tôi rất mừng khi LEGO quyết định đầu tư vào Bình Dương. Đặc biệt, đây là nhà máy trung hòa carbon, theo đúng định hướng mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 là mục tiêu của cả nền kinh tế. Không chỉ doanh nghiệp FDI mà doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tham gia. Bình Dương sẽ cố gắng mời gọi những dự án xanh như thế này đến với địa phương và sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư của các dự án dạng này", ông Nguyễn Thanh Toàn nói.

Kinh tế xanh - xu thế tất yếu của thời đại

Nhận định ở tầm vĩ mô, các chuyên gia khẳng định, chuyển dịch kinh tế theo kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp là xu thế tất yếu của thời đại. Cam kết của Việt Nam tại COP26 sẽ thúc đẩy xu hướng chuyển dịch toàn nền kinh tế sang kinh tế xanh.

"Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26 là rất tích cực. Tuy nhiên, phát thải khí nhà kính không chỉ bắt nguồn từ phát thải khí carbon (chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện than) mà còn có phát thải khí metan (chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp).

Mục tiêu đó có thể thực hiện thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo, nhằm cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt. Lượng khí thải còn lại cần được các cánh rừng hấp thụ. Việt Nam có cơ sở để hoàn thành mục tiêu này khi có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo đáng kể, đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi, có thể thay thế dần nhiệt điện than", chuyên gia Ngô Đức Lâm nhận xét.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Việt Nam cần đưa ra kế hoạch tổng thể, thống nhất, hoàn thiện hệ thống luật pháp và bản thân người dân cũng phải nhận thức được tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc cắt giảm khí thải để cùng thực hiện.

"Cần xây dựng lộ trình thực hiện mục tiêu này, cụ thể đến từng ngành, lĩnh vực và các chính sách đi kèm... Tôi tin rằng, doanh nghiệp luôn sẵn sàng ủng hộ, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài", Phó Giám đốc GreenID Trần Đình Sính chia sẻ.

Theo Thành Luân

VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên