Đầu ngành phải chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành cổ phần hóa DNNN
Người đứng đầu các Bộ, ngành địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hoá, sắp xếp DNNN.
- 11-07-201719 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa nửa đầu năm 2017
- 10-07-2017Kiểm toán “sờ gáy” doanh nghiệp nghìn tỷ trước thềm cổ phần hóa
- 08-07-2017Trục lợi từ cổ phần hóa
Sáng 11/7, tại Trụ sở Chính phủ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tính đến hết quý 2 năm nay, về kết quả sắp xếp, cổ phần hoá thoái vốn nhà nước đã giải thể 1 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam, về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thuộc danh sách 137 doanh nghiệp theo quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành cổ phần hoá 6 doanh nghiệp nhà nước (trong đó có 3 tổng công ty); đã công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án cổ phần hoá để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 doanh nghiệp.
Trong số 14 doanh nghiệp này, có những doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn như 3 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có tổng giá trị vốn chủ sở hữu khoảng gần 90.000 tỷ đồng, 1 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn điện lực Việt Nam có giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 24.000 tỷ đồng.
Về tình hình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính đến thời điểm này đã bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 22 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là hơn 666 tỷ đồng, thu về gần 11.600 tỷ đồng, trong đó có 6 doanh nghệp thoái vốn dưới mệnh giá. Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính đến hết quý 2 năm nay đã tổng hợp 17 bộ, 53 địa phương, 84 tập đoàn kinh tế, Tổng công ty vẫn còn 730 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán...
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đã chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp như: việc thoái vốn đạt tỉ lệ thấp, vẫn còn tình trạng chậm thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Habeco, Sabeco...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng, tiến độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa đạt yêu cầu, tiến độ đã đề ra, vẫn dồn lại khối lượng lớn công việc trong 6 tháng cuối năm; việc bàn giao các doanh nghiệp sau cổ phần hoá về SCIC còn chậm, hay việc đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa nghiêm túc, nhất là hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn thấp.
Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân chủ yếu là một số Bộ, ngành chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nổi lên là tâm lý e ngại, đùn đẩy đẩy lên cấp trên, mặc dù trách nhiệm thuộc thẩm quyền của mình nhưng không dám quyết, công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên và không kịp thời.
Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng nêu rõ quan điểm, các Bộ, ngành và địa phương dứt khoát phải hoàn thành việc cổ phần hoá các doanh nghiệp theo đúng tiến độ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Danh mục cổ phần hoá theo từng năm đối với 137 doanh nghiệp cổ phần hoá giai đoạn 2017-2020, đặc biệt người đứng đầu các Bộ, ngành địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hoá, sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước./.
VOV