Đấu thầu rộng rãi cao tốc An Hữu - Cao Lãnh
Dự án đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP và sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận đã có tờ trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất đầu tư đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đi qua 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp nhằm đẩy nhanh triển khai trong giai đoạn 2021-2025, chuyển tiếp đến năm 2027. Dự án dự kiến sử dụng 50% nguồn vốn ngân sách, còn lại kêu gọi xã hội hóa.
Chia 2 giai đoạn thực hiện
Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh có tổng chiều dài 33,8 km (trong đó 8,4 km đi qua tỉnh Tiền Giang và 25,4 km đi qua tỉnh Đồng Tháp). Điểm đầu từ nút giao An Thái Trung, kết nối với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), điểm cuối kết nối với tuyến Đường tỉnh 856 tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. "Khi thực hiện, dự án chia 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng đường cao tốc quy mô 4 làn xe, chiều rộng mặt cắt ngang 17 m, vận tốc 80 km/giờ, có một hoặc hai bên đường dân sinh. Tổng mức đầu tư khoảng 6.944 tỉ đồng, trong đó 3.472 tỉ đồng vốn nhà nước, 3.472 tỉ đồng vốn tư nhân. Đến giai đoạn 2 mở rộng mặt cắt ngang lên 24,75 m, vận tốc 100 km/giờ" - Ban QLDA Mỹ Thuận (đơn vị nghiên cứu dự án) thông tin. Ban QLDA Mỹ Thuận cũng cho biết dự án có nhu cầu sử dụng 177,93 ha đất, trong đó sẽ bồi thường giải phóng mặt bằng đất ở là 3,55 ha, còn lại là đất nông nghiệp, khoảng 202 hộ dân bị ảnh hưởng và 119 hộ sẽ được tái định cư. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 933 tỉ đồng.
Hàng loạt dự án đường cao tốc đã và đang được gấp rút đẩy nhanh thực hiện ở khu vực ĐBSCL. Ảnh: MINH SƠN
Đánh giá tính cần thiết của dự án, đại diện đơn vị nghiên cứu cho biết việc đầu tư xây dựng mới tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực. Không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang chạy theo bờ Bắc sông Tiền mà tuyến cao tốc sau này sẽ kết nối một phần với đường cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp) với các cảng biển khu duyên hải, khu kinh tế Định An. "Tuyến đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh với vai trò là hành lang xương sống của trục ngang, khi được đầu tư thông tuyến và hoàn thiện sẽ kết nối các tuyến trục dọc như Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam. Khi tuyến đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và đất nước" - đại diện đơn vị nghiên cứu nhấn mạnh.
Theo ông Trần Văn Bon - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, quan điểm của tỉnh là ủng hộ dự án vì mang tính chất vùng Đồng Tháp Mười và các tỉnh miền Tây. Còn việc thực hiện theo hình thức nào thì do Bộ GTVT quy định. Đây là dự án đầu tư qua tỉnh Tiền Giang để kết nối Đồng Tháp và các tỉnh miền Tây nên tỉnh ủng hộ dự án này.
4 kịch bản về nguồn vốn
Theo đánh giá của đơn vị nghiên cứu, giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đầu tư với tổng nhu cầu vốn khoảng 952.731 tỉ đồng, bao gồm 218.480 tỉ đồng vốn ODA nước ngoài, 386.334 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước và 347.917 tỉ đồng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách. Trong khi đó, khả năng cân đối từ nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ khoảng 64% nhu cầu. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước khó khăn, việc đầu tư tuyến đường cao tốc theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sẽ khắc phục được các bất cập về tính công bằng trong thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Vì vậy, dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP và để thực hiện, Ban QLDA Mỹ Thuận đưa ra 4 kịch bản về phương án huy động vốn. Trong đó, kịch bản 1 - ngân sách nhà nước góp vào 50% tổng mức đầu tư, thời gian hoàn vốn 27 năm. Ba kịch bản còn lại, tỉ lệ góp vốn của nhà nước lần lượt là 61% (thời gian hoàn vốn 20 năm), 53% (thời gian hoàn vốn 25 năm) và 47% (thời gian hoàn vốn 30 năm).
Với 3 kịch bản 2, 3 và 4, theo Ban QLDA Mỹ Thuận, tỉ lệ góp vốn của nhà nước trên 50% không phù hợp quy định của Luật 64 (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư) về tỉ lệ góp vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư, riêng tỉ lệ góp vốn 47% thì thời gian hoàn vốn kéo dài, rủi ro về tài chính lớn, không hấp dẫn nhà đầu tư. "Vì vậy, ưu thế nằm ở kịch bản 1. Vì kịch bản này có thời gian hoàn vốn và tỉ lệ vốn góp của nhà nước tham gia phù hợp với quy định nên ít rủi ro về tài chính và dễ huy động vốn vay cho dự án, hấp dẫn nhà đầu tư hơn" - đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận phân tích.
Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, dựa trên kịch bản 1, mức giá, phí dịch vụ các cá nhân sử dụng đường cao tốc này phải trả sẽ chia nhiều giai đoạn với nhiều mức giá khác nhau, tăng dần qua các giai đoạn như giai đoạn 2024-2026 mức giá 1.700 đồng/km/xe nhóm 1, 2027-2029 tăng lên 1.900 đồng, 2030-2032 tăng lên 2.100 đồng..., đến giai đoạn 2054-2056 là 5.400 đồng. "Về việc lựa chọn nhà đầu tư, do đây là dự án có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng nên áp dụng đấu thầu rộng rãi trong nước để thực hiện các dự án thành phần tương tự hình thức đấu thầu các dự án thành phần PPP đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020" - Ban QLDA Mỹ Thuận cho hay.
Từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông
Ngoài dự án trên còn có hàng loạt dự án cao tốc trục dọc và trục ngang được đề xuất đầu tư ở khu vực ĐBSCL.
Theo đó, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23 km, vốn đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng, hiện đang thi công với khối lượng thi công khoảng 12% giá trị hợp đồng. Đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với 3 phương án xây đường cao tốc lần lượt có chiều dài 141 km, 138 km và 125 km, tương ứng vốn dự kiến 46.200 tỉ đồng, 61.000 tỉ đồng và 57.000 tỉ đồng. Đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 155 km, kinh phí khoảng 30.000 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách (tuyến này đi qua các tỉnh, TP gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng), dự kiến khởi công năm 2030. Ngoài ra, tuyến đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 225 km, tổng vốn đầu tư 33.250 tỉ đồng, đi qua các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu, huy động vốn nhà tài trợ và vốn đối ứng. Dự kiến khởi công năm 2024 và khai thác năm 2026.
Người lao động