MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đấu trường hàng không ngày càng chật chội: Cạnh tranh khốc liệt, các hãng bay lại nhận thêm "cú đấm" mới ngốn hàng chục ngàn tỷ từ nhiên liệu bay

Ngày càng nhiều hãng bay mới gia nhập khiến cho bầu trời hàng không ngày càng chật chội.

Ngày càng nhiều hãng bay mới gia nhập khiến cho bầu trời hàng không ngày càng chật chội.

Như người ốm mới tỉnh dậy sau từ đại dịch kéo dài hơn 2 năm qua, các hãng bay lại đang đối mặt với một "cú đấm" mới đó là nguyên liệu bay Jet A1 tăng mạnh. Vietnam Airlines đang dự kiến nếu nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng làm tình trạng lỗ trầm trọng hơn.

"Cú đấm" mới từ giá nhiên liệu bay

Giá nhiên liệu bay thời gian qua đã tăng mạnh cùng với sự leo thang của giá dầu thế giới khiến các hãng bay Việt Nam vốn đang gặp nhiều khó khăn từ đại dịch Covid-19 tiếp tục nhận "cú đấm" từ việc tăng giá nhiên liệu bay. 

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) vừa có kiến nghị lên Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc miễn 100% thuế đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. 

Theo Vietnam Airlines, cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, trong thời gian vừa qua, giá dầu không ngừng tăng nhanh, tương ứng với giá nhiên liệu bay Jet Al tăng từ mức trung bình khoảng gần 73 USD/thùng năm 2021 lên mức khoảng hơn 100 USD/thùng, tương ứng mức tăng 37%.

Trong bối cảnh hiện nay, "nhiều nguy cơ giá nhiên liệu bay Jet A1 sẽ tăng lên mức hơn 160 USD/thùng và không loại trừ những kịch bản xấu giá có thể còn tăng cao hơn nữa lên đến 200 USD/thùng", văn bản Vietnam Airlines chỉ rõ.

Việc giá nhiên liệu này trung bình đầu tháng 3 đạt trên 130 USD/thùng đang khiến chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng mạnh.

Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng và nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến trong năm 2022.

Vì vậy, hãng này kiến nghị được miễn thuế bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định việc áp dụng miễn giảm 100% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không trong năm 2022 là cần thiết.

Với Vietjet Air, trong điều kiện kinh doanh bình thường trước dịch, chi phí nhiên liệu bay sẽ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Chẳng hạn, năm 2019 chi phí nhiên liệu bay của Vietjet đạt 15.038 tỷ đồng. Năm 2020, chi phí nhiên liệu bay của Vietjet đat 5.545 tỷ đồng, giảm do ảnh hưởng bởi đại dịch. 6 tháng năm 2021 chi phí nhiên liệu bay của hãng khoảng 2.345 tỷ đồng.

Đấu trường hàng không ngày càng chật chội: Cạnh tranh khốc liệt, các hãng bay lại nhận thêm cú đấm mới ngốn hàng chục ngàn tỷ từ nhiên liệu bay - Ảnh 1.

Chi phí nhiên liệu bay của Vietjet Air trong điều kiện bay bình thường chiếm khoảng 30%

Ở thời điểm này, khi Việt Nam đã kiên định với chiến lược sống chung với covid-19, mở cửa bầu trời. Các đường bay trong nước và quốc tế dần được nối lại. Do đó, áp lực chi phí nhiên liệu bay tăng giá sẽ là "cú đấm" mới với các hãng hàng không khi vừa trải qua "cơn ốm dậy" sau đại dịch. 

Bởi cơ cấu chi phí nguyên liệu bay chiếm tới 30% doanh thu của doanh nghiệp nên biến động chi phí của nhóm này sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Để bù đắp chi phí nguyên liệu bay tăng giá các hãng hàng không có thể tăng giá vé máy bay, tuy nhiên, yếu tố cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng không cho phép việc tăng giá quá mạnh, thêm nữa thị trường hàng không vừa phục hồi sau dịch nếu tăng giá vé quá cao sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục của toàn ngành. 

Đó cũng là lý do khiến Vietnam Airlines vừa có văn bản đề xuất lên Bộ Giao thông vận tải nâng trần vé máy bay nhằm bù đắp chi phí nhiên liệu bay và đón thêm các tập khách hàng hạng sang.

Vietnam Airlines cho biết thêm, theo thông lệ quốc tế, trước đây khi giá nhiên liệu luôn biến động, các hãng hàng không đã tách phần phụ thu nhiên liệu ra khỏi giá vé để chủ động điều chỉnh giá bán nhằm bù đắp một phần chi phí nhiên liệu tăng cao.

Với việc giá dầu ngày càng khó dự báo và phụ thuộc nhiều vào các biến động kinh tế, chính trị, việc triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa cũng là một giải pháp nhằm tạo sự linh hoạt cho các hãng điều chỉnh giá bán trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường trong khi không ảnh hưởng đến các chính sách giá của Chính phủ hiện nay.

Hãng mới đua gia nhập đấu trường hàng không khốc liệt trên nền tài chính bết bát

Việc tăng giá nguyên nhiên liệu bay được đánh giá là một "cú đấm mới" với các hãng hàng không đang lay lắt hồi phục sau dịch. Như Vietnam Airlines đánh giá là làm trầm trọng hơn tình hình thua lỗ của doanh nghiệp. 

Hai hãng hàng không lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán hiện đang xin hoãn nộp báo cáo tài chính quý 4/2021 là Vietnam Airlines và Vietjet. Luỹ kế 9 tháng năm 2021, Vietnam Airlines đạt hơn 18.700 tỷ đồng doanh thu, giảm đáng kể so với mức 32.410 tỷ đồng của cùng kỳ. Lỗ ròng 9 tháng là 11.827 tỷ đồng nâng tổng lỗ luỹ kế lên 21.200 tỷ đồng - mức lỗ kỷ lục chưa từng có. 

Đấu trường hàng không ngày càng chật chội: Cạnh tranh khốc liệt, các hãng bay lại nhận thêm cú đấm mới ngốn hàng chục ngàn tỷ từ nhiên liệu bay - Ảnh 2.

Vietnam Airlines có tình hình kinh doanh tệ nhất trong các hãng bay

9 tháng năm 2021, Vietjet ghi nhận doanh thu đạt 10.210 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 200 tỷ đồng. Năm 2020, doanh số đạt 18.220 tỷ đồng, lỗ trước thuế 244 tỷ đồng, lãi sau thuế 68 tỷ đồng. So với thời kỳ hoàng kim năm 2017-2019, Vietjet bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. 

Tổng tài sản Vietjet đạt 50.948 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả hơn 34.000 tỷ. Giai đoạn khó khăn nhất của hàng không đã qua, Vietjet nhờ của để dành của giai đoạn hoàng kim đã trụ vững trong đại dịch. Tuy vậy, với cơ cấu nhiên liệu chiếm 30% tổng doanh thu của doanh nghiệp, việc giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp khi giá vé đầu ra sẽ không thể tăng nhanh theo kịp được giá đầu vào tăng. 

Đấu trường hàng không ngày càng chật chội: Cạnh tranh khốc liệt, các hãng bay lại nhận thêm cú đấm mới ngốn hàng chục ngàn tỷ từ nhiên liệu bay - Ảnh 3.

Tình hình kinh doanh của các hãng bay từ 2019 đến 30/9/2021

Thị trường hàng không ngày càng khốc liệt, bầu trời ngày càng chật chội khi các hãng bay mới đua gia nhập nhưng do yếu tố dịch bệnh khiến tăng trưởng ngành là số âm. Nhiều hãng mới nhưng tập khách hàng không được mở rộng khiến cho cạnh trạnh của ngành rất khốc liệt. 

Mới đây, một tay chơi mới trong lĩnh vực hàng không đã không chịu nổi nhiệt là Vietravel. Sau gần 1 năm khai thác hãng bay Vietravel Airlines đã khiến Vietravel rơi vào thua lỗ nặng cùng với tác động của đại dịch đến ngành du lịch với tổng lỗ hơn 380 tỷ 9 tháng năm 2021. Hội đồng quản trị Vietravel cuối cùng đã quyết định chuyển nhượng 55,58% cổ phần đang sở hữu tại Công ty cổ phần Hàng không Lữ hành Việt Nam (sở hữu Vietravel Airlines) sang công ty mẹ là Vietravel Holdings để làm đẹp báo cáo tài chính của Vietravel. Quý 4 Vietravel đã có lãi ròng 228 tỷ trở lại sau khi bán được Vietravel Airlines. 

Năm 2022, Vietravel Airlines dự kiến tăng dần lên 6 tàu bay, gấp đôi so với con số 3 tàu bay Airbus A321 hiện tại. Hãng cũng tích cực mở nhiều đường bay mới đến các thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam. 

Mới đây, thị trường hàng không còn đón nhận một tân binh là hãng hàng không Sun Air thuộc SunGroup. Đây là hãng hàng không chung phân khúc hạng sang đầu tiên, cung cấp các dịch vụ bay đẳng cấp được cá nhân và chuyên biệt hóa, với hai loại hình: Dịch vụ quản lý tàu bay tư nhân và Dịch vụ bay thuê chuyến, bay tham quan ngắm cảnh, du lịch bằng trực thăng và thủy phi cơ.

Bamboo Airlines cũng là một thế lực mới trong ngành hàng không với việc liên tục mở đường bay quốc tế và nội địa. Sự xuất hiện của Bamboo Airlines, Vietravel Airlines và tới đây là Sun Air khiến cho đấu trường hàng không ngày càng chật chội, cạnh tranh khốc liệt hơn. Do Bamboo Airlines chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán, nên rất khó để biết chính xác sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp như thế nào sau đại dịch và trong cơn lốc tăng giá nhiên liệu bay mạnh hiện nay. 

Về cổ phiếu hàng không, nhóm cổ phiếu vẫn chưa thực sự hút tiền từ nhà đầu tư. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/3, HVN có giá 25.350 đồng/cổ phiếu, VJC giá 148.200 đồng/cổ phiếu trong khi Bamboo Airlines với lời hứa hẹn niêm yết trên sàn chứng khoán kể từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. 

https://cafef.vn/dau-truong-hang-khong-ngay-cang-chat-choi-canh-tranh-khoc-liet-cac-hang-bay-lai-nhan-them-cu-dam-moi-ngon-hang-chuc-ngan-ty-tu-nhien-lieu-bay-20220317220057177.chn

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên