Đầu tư các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông; nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp
Hà Nội sẽ tập trung đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai; các trục hướng tâm, các trục chính đô thị chủ yếu, các tuyến có tính liên vùng; hệ thống các cầu qua sông; các nút giao thông trọng điểm; các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông; đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh theo quy hoạch; nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp,...
- 05-09-2022Báo Nga: "Đoàn kết và lòng yêu nước" - Cần học tập Việt Nam để chiến thắng
- 05-09-2022Bộ Công Thương: Nguy cơ thiếu điện tại miền Bắc, cần tăng nhập khẩu điện từ Lào
- 05-09-2022Tin vui cho du khách Việt đang chờ đi du lịch Nhật Bản
Hằng năm xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ về "Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025" trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch đặt ra 3 chỉ tiêu, trong đó phấn đấu hằng năm giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.
Vận tải hành khách công cộng bảo đảm chất lượng, phục vụ hiệu quả; phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30-35%.
Hằng năm xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông.
Đầu tư khép kín các tuyến vành đai; các công trình trọng điểm giải quyết ùn tắc giao thông
Kế hoạch cũng đề ra nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu nêu trên. Trong đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện.
Thành phố Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình giao thông có vai trò giảm ùn tắc giao thông.
Đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai (trong đó tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3,5 và Vành đai 4); các trục hướng tâm, các trục chính đô thị chủ yếu, các tuyến có tính liên vùng; hệ thống các cầu qua sông; các nút giao thông trọng điểm, nút giao khác mức; các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch; các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông... để tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông.
Đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh; nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp
Đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh (bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, các đầu mối giao thông công cộng...) theo quy hoạch; nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân…
Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.
Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hợp lý hóa quy trình, phương pháp và nội dung đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, đảm bảo công khai, minh bạch.
Thành phố ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý điều hành giao thông nhằm tối ưu hóa khả năng thông hành của phương tiện, trong đó tập trung phát triển giao thông thông minh trong thành phố, thị xã, thị trấn, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường…
VGP