MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư vào vàng, bạc và kim loại quý vẫn là món hời trong năm 2020

23-01-2020 - 09:42 AM | Thị trường

Vàng có thể lên 1.800 - 2.000 USD/ounce.

Kim loại quý đang trở thành nhóm hàng ‘nóng’ nhất trên thị trường nguyên liệu. Giá vàng đã tăng gần 20% trong năm 2019 và tiếp tục tăng thêm gần 3% từ đầu năm tới nay. Bạc và bạch kim cũng chung xu hướng đi lên khi tăng lần lượt khoảng 15% và 21% trong năm 2019, sau đó tăng tiếp khoảng 1% và 6% trong hơn 2 tuần đầu năm 2020.

Đầu tư vào vàng, bạc và kim loại quý vẫn là món hời trong năm 2020 - Ảnh 1.

Đặc biệt, giá rhodium đã tăng 146% trong năm 2019 và tiếp tục phi mã thêm 32% chỉ trong hơn 2 tuần đầu năm 2020; trong khi palađi cũng không ‘kém cạnh’ khi đã tăng khoảng 55% trong năm 2019 và tăng tiếp gần 30% từ đầu năm đến nay.

Đầu tư vào vàng, bạc và kim loại quý vẫn là món hời trong năm 2020 - Ảnh 2.

Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục rót tiền vào kim loại quý dù không ai dám chắc giá liệu có tăng tiếp; Hay sẽ sớm quay đầu đi xuống. Hãy cùng nhìn lại thị trường kim loại quý năm qua và xem các chuyên gia đánh giá thế nào về triển vọng nhóm kim loại quý.

Vàng có thể sẽ đạt 1.800 – 2.000 USD/ounce

Giá vàng tăng gần 20% trong năm 2019, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010, do giới đầu tư lo ngại về ‘sức khỏe’ nền kinh tế toàn cầu giữa bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông cũng như ở bán đảo Triều Tiên nên tìm tới các tài sản ‘an toàn" như vàng. Đầu năm 2020, giá vàng đã vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce – ngưỡng quan trọng để có thể đi lên cao nữa.

Việc ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đưa ra một loạt các chính sách nới lỏng tiền tệ là một trong những yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho mặt hàng kim loại quý. Trong năm 2019, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có 3 lần hạ lãi suất cơ bản. Ngân hàng trung ương các nước khác cũng đã có hàng chục lần hạ lãi suất trong năm vừa qua.

Đầu tư vào vàng, bạc và kim loại quý vẫn là món hời trong năm 2020 - Ảnh 3.

Triển vọng giá vàng trong ngắn hạn có nhiều khả năng sẽ còn tăng tiếp giữa bối cảnh căng thẳng chính trị và địa chính trị còn tiếp diễn và thỏa thuận Giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc dù đã ký nhưng vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro. Triển vọng nền kinh tế toàn cầu kém tươi sáng và đồng USD yếu sẽ tiếp tục hậu thuẫn tích cực cho thị trường vàng. Nhiều chuyên gia tin rằng giá vàng năm nay sẽ cán mốc 1.800 USD/ounce. Thậm chí chuyên gia phân tích kĩ thuật Fawad Razaqzada thuộc City Index còn lạc quan cho rằng giá vàng sẽ lên đến 2.000 USD/ounce. Cơ sở dự đoán là các các ngân hàng trung ương thế giới sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, đẩy lợi suất trái phiếu rơi sâu hơn vào vùng âm, theo đó thúc đẩy sức hấp dẫn của các kim loại quý.

Bạc có triển vọng tích cực trong năm 2020

Mức tăng khoảng 15% trong năm 2019 của bạc là nhiều nhất kể từ 2016. Nằm trong nhóm tài sản ‘an toàn’, bạc cũng được hưởng lợi khi kinh tế thế giới suy yếu và những lo ngại xung quanh các vấn đề chính trị và địa chính trị trên toàn cầu.

Đầu tư vào vàng, bạc và kim loại quý vẫn là món hời trong năm 2020 - Ảnh 4.

Về triển vọng thị trường bạc trong năm 2020, do bạc có liên quan mật thiết với vàng nên nếu giá vàng tăng thì bạc cũng tăng theo.

Giám đốc phụ trách thương mại toàn cầu của Kitco, ông Peter Hug, tin rằng giá bạc sẽ tăng tiếp trong năm nay dù kinh tế thế giới có tốt lên hay xấu đi. Lý do bởi, nếu kinh tế tăng trưởng mạnh lên, nhu cầu bạc trong lĩnh vực công nghiệp sẽ tăng, còn nếu trong trường hợp ngược lại, bạc cũng là một tài sản đầu tư tốt. Người dân Châu Á bắt đầu chú ý nhiều hơn tới bạc với mục đích đầu tư. Ông Peter ví dụ ở thị trường Hongkong, nhu cầu bạc trong năm 2019 rất mạnh, nhất là bạc thỏi 100 ounce. Palađi sẽ còn tăng tiếp Nguồn cung khan hiếm là lý do chính khiến giá mặt hàng này tăng mạnh trong năm vừa qua.

Là một vật liệu trắng bóng, một trong 6 kim loại thuộc nhóm bạch kim (cùng với ruthenium, rhodium, osmium, iridium và bạch kim), khoảng 85% palađi được sử dụng trong hệ thống khí thải của xe hơi, giúp biến các chất ô nhiễm độc hại thành CO2 và hơi nước ít độc hại hơn. Nhu cầu sử dụng palađi trong xe lai cũng là một nguồn nhu cầu ngày càng tăng. Palađi cũng được sử dụng trong điện tử, nha khoa và đồ trang sức.

Kim loại được khai thác chủ yếu ở Nga và Nam Phi, và chủ yếu được khai thác như một sản phẩm thứ cấp từ các hoạt động tập trung vào các kim loại khác, chẳng hạn như bạch kim hoặc nickel. Năm 2019, Nam Phi nhiều lần gặp sự cố mất điện, ảnh hưởng đến sản xuất kim loại quý này.

Tuy nhiên, nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng. Sản lượng năm 2019 là năm thứ 8 liên tiếp không đáp ứng được nhu cầu. Lý do không nằm nhiều ở vấn đề nguồn cung, mà ở nhu cầu, bởi chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường của các quốc gia. Các chính phủ, đặc biệt là Trung Quốc, thắt chặt các qui định để ngăn chặn ô nhiễm từ các phương tiện, buộc nhà sản xuất ô tô phải tăng lượng kim loại quí mà họ sử dụng.

Đầu tư vào vàng, bạc và kim loại quý vẫn là món hời trong năm 2020 - Ảnh 5.

Về triển vọng giá palađi năm 2020, City dự báo giá palađi sẽ tiếp tục tăng lên 2.500 USD/ounce vào giữa năm 2020. Metal Focus tính toán rằng riêng lĩnh vực ô tô sẽ có nhu cầu palađi tăng thêm khoảng 200.000 ounce trong năm nay, đẩy lượng thiếu hụt trên toàn cầu lên khoảng 430.000 ounce. Mỗi năm thế giới tiêu thụ khoảng 10 triệu ounce palađi.

Rhodium có thể vượt ngưỡng 10.000 USD

Rhodium là vật liệu có thể chống lại nhiệt độ cao và hoạt động tốt hơn các kim loại nhóm bạch kim khác trong việc loại bỏ các oxit nitơ khỏi khí thải xe hơi. Bởi vậy, cùng với bạch kim và palađi, rhodium trở thành mặt hàng khan hiếm với những hãng xe muốn nâng cao chất lượng khí thải.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng qua, giá rhodium đã tăng 32%, đạt mức cao nhất kể từ 2018 do những quy định mới về khí thải cho xe hơi giữa bối cảnh các nhà đầu cơ tìm kiếm những tài sản kim loại quý hiếm làm nơi ‘trú ẩn an toàn’ khi căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông. Từ 2015 đến nay, rhodium đã tăng giá 12 lần.

Đầu tư vào vàng, bạc và kim loại quý vẫn là món hời trong năm 2020 - Ảnh 6.

Châu Phi là nơi khai thác chính rhodium, chiếm hơn 80% sản lượng toàn cầu.

Morgan Stanley dự báo giá rhodium sẽ còn tăng tiếp trong năm 2020 do nhu cầu mua mạnh mẽ từ Châu Á. Tập đoàn MKS PAMP của Thụy Sĩ dự báo giá có thể vượt ngưỡng 10.000 USD/ounce, mặc dù sau khi tăng mạnh từ năm 2019 tới nay thì xu hướng tăng nhiều khả năng sẽ chậm lại. Trên thực tế, việc giá rhodium tăng quá cao vào năm 2008 đã khiến các nhà sản xuất xe chuyển sang những vật liệu rẻ hơn như palađi hay bạch kim.

Bạch kim dự báo sẽ giảm giá

Với mức tăng trên 20% trong năm 2019, giá bạch kim đã có năm tăng nhiều nhất kể từ 2009. Nguyên nhân do nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu không ngừng tăng, kể cả trong đầu tư cũng như lĩnh vực công nghiệp.

Đầu tư vào vàng, bạc và kim loại quý vẫn là món hời trong năm 2020 - Ảnh 7.

Các thuộc tính của bạch kim được biết đến như là kim loại ít phản ứng. Bên cạnh ứng dụng làm đồ trang sức, bạch kim còn được sử dụng làm chất xúc tác trong phòng thí nghiệm, thiết bị y tế, bộ chuyển đổi xúc tác trong hệ thống khí thải của ô tô, chế tạo xe hơi, chế tạo thuốc…Bạch kim có đặc tính ít bị oxy hóa nên bạch kim thường không gây dị ứng cho những người có làn da nhạy cảm, bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm.

Về triển vọng năm 2020, Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới dự báo giá sẽ giảm do nhu cầu từ lĩnh vực ô tô và trang sức giảm lần lượt 3% và 2%. Tuy nhiên, sản lượng dự báo cũng sẽ đi xuống, với sản lượng bạch kim tinh luyện giảm khoảng 2%, còn bạch kim tái chế tăng khoảng 2%.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn tin tưởng giá sẽ tăng tiếp, mặc dù không nhiều như năm 2019, và cũng không tăng nhanh như palađi. Có chuyên gia dự báo giá sẽ khoảng 1.400 USD/ounce, thậm chí có người cho rằng giá có thể đạt 1.500 USD hoặc 1.600 USD/ounce.

Vân Chi

Tài chính Plus

Trở lên trên