MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là bản chất mô hình "không làm gì cũng kiếm cả trăm triệu mỗi tháng" mà những kẻ đa cấp thường rêu rao

12-04-2016 - 16:44 PM | Doanh nghiệp

Rất nhiều vụ lừa đảo liên quan đến kinh doanh đa cấp đã xảy ra, mà điển hình là vụ Liên Kết Việt khiến hàng chục nghìn người đã tiền mất tật mang, nhiều gia đình tan vỡ. Vậy tại sao mô hình kinh doanh đa cấp vẫn tồn tại?

Đa cấp là hợp pháp

Chúng ta cần phải khẳng định, kinh doanh đa cấp không phải là mô hình kinh doanh lừa đảo. Đa cấp vốn là mô hình hoạt động được thừa nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Lý thuyết của mô hình kinh doanh đa cấp là bán hàng trực tiếp từ công ty đến tay người tiêu dùng, mà không cần thông qua các đại lý hay nhà phân phối. Do đó, hình thức kinh doanh này tiết kiệm được nhiều loại chi phí và sử dụng các khoản tiền này để trả hoa hồng hoặc đầu tư nâng cấp sản phẩm.

Kinh doanh đa cấp bắt đầu bằng việc một nhà hóa học người Mỹ quyết định bán các sản phẩm dinh dưỡng cho những người bạn, sau đó đề nghị bạn ông giới thiệu sản phẩm cho người quen, với lời hứa nếu bán được hàng thì sẽ trả hoa hồng. Lời hứa hoa hồng cũng được áp dụng cho bạn của những người bạn.

Nói cách khác, hoa hồng sẽ có 2 loại, một là do bán sản phẩm và hai là do người quen bán được sản phẩm. Loại hoa hồng thứ nhất chỉ như một hình thức chiết khấu rất bình thường tồn tại ở tất cả các doanh nghiệp (khi nhân viên kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào đi bán hàng, họ luôn nhận được chiết khấu như một khoản hoa hồng).

Trong khi đó, loại hoa hồng thứ 2 chính là mấu chốt làm nên sự khác biệt của kinh doanh đa cấp so với kinh doanh truyền thống, bởi lẽ loại hoa hồng thứ 2 này làm nên câu nói “không làm gì cũng kiếm được tiền”.

Đây chính là lý do hình thành nên một mô hình đa cấp lừa đảo mang tên mô hình "Kim tự tháp"

Điều đáng buồn là mô hình này lại cực kỳ phổ biến tại Việt Nam.

Kinh doanh đa cấp chú trọng tới việc bán sản phẩm cho người tiêu dùng, lấy lợi nhuận từ sản phẩm để chia hoa hồng. Trong khi đó, mô hình kim tự tháp thay vì bán sản phẩm sẽ chỉ đi lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí là ép buộc người khác tham gia mạng lưới và đóng tiền vào mạng lưới, sau đó lấy tiền của người mới chia cho người cũ, khiến những người cũ có cảm giác thực sự "không làm gì cũng kiếm được tiền".

Như vậy, sự khác biệt cơ bản ở đây đó là mô hình kim tự tháp không quan tâm tới việc bán sản phẩm, nó chỉ quan tâm hút làm sao được càng nhiều người tham gia càng tốt.

Các sản phẩm nếu có xuất hiện sẽ chỉ mang tính chất tượng trưng, có chất lượng thấp nhưng giá bán lại quá cao, với mục đích hợp pháp hóa về mặt pháp lý. Đây là kẽ hở khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý các DN đa cấp, vì khi điều tra, các DN này có kinh doanh và bán hàng thực sự (dù thực tế toàn hàng rẻ tiền, vô giá trị).

Kim tự tháp cũng là mô hình mà người ở cấp cao hơn bóc lột người ở các cấp bên dưới. Những người càng vào sau cơ hội sẽ càng thấp.

Và đặc điểm quan trọng nhất của Kim Tự tháp: Do hàng hóa chỉ mang tính chất tượng trưng, không có nhiều giá trị buôn bán, chúng ta có nguyên tắc "tổng không đổi", mô hình Kim tự tháp chỉ là tiền từ túi người dưới chảy lên túi người cấp trên.

Đó là những gì đã diễn ra tại công ty đa cấp Liên Kết Việt mới đây, thể hiện rõ ràng nhất qua các đoạn video clip một thanh niên trẻ thao thao bất tuyệt "dạy" những người cao tuổi cách làm giàu mà "không phải làm gì". Quả thực, rất nhiều người đã bị thuyết phục bởi sau khi đóng một khoản tiền lớn vào Liên Kết Việt, họ đều đặn được nhận trở lại những khoản tiền lớn theo đúng cam kết. Cái lợi trước mắt khiến chính họ tiếp tục đi lôi kéo bạn bè, người thân tham gia vào hệ thống.

Tất nhiên, việc trả hoa hồng chỉ duy trì được trong một thời gian ngắn ban đầu với tính chất dụ dỗ, nên tổng số tiền thu về không thể bằng số tiền đóng vào hệ thống ban đầu. Đến khi người tham gia nhận ra thì mọi chuyện đã quá muộn.

Theo Minh Quân

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên