MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại dịch Covid-19 bùng lên ở châu Á đe dọa như thế nào tới chuỗi cung ứng toàn cầu?

02-07-2021 - 19:25 PM | Tài chính quốc tế

Đại dịch Covid-19 bùng lên ở châu Á đe dọa như thế nào tới chuỗi cung ứng toàn cầu?

Các nhà máy đông đúc ở những nền kinh tế châu Á, vốn được coi là trung tâm sản xuất của thế giới, đã từng miễn dịch gần như tuyệt đối khi đại dịch quét qua vào năm ngoái. Tuy nhiên, mọi chuyện đang rất khác.

Dịch bệnh bùng phát

Vào cuối năm 2020, Việt Nam và Thái Lan có số ca tử vong và Covid-19 rất thấp. Lào và Campuchia còn chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2021. Nhiều khu vực ở châu Á phải đối mặt với một làn sóng bùng phát Covid-19 mới, đánh sập cả những nơi kiên cường nhất.

Dịch bệnh xuất hiện trong các nhà máy và những doanh nghiệp khác ở châu Á đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, làm dấy lên nguy cơ gián đoạn dòng chảy thương mại quốc tế, vốn đã rất căng thẳng vì hàng loạt biến cố kể từ khi dịch bệnh bùng lên.

Việc xuất hiện các ca mắc Covid-19 trong các nhà máy và khu công nghiệp khiến hàng loạt dây chuyền sản xuất chính ở nhiều nền kinh tế phải ngừng hoạt động. Từ các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Campuchia tới Trung Quốc hay đảo Đài Loan đều buộc phải đình chỉ một phần hoạt động sản xuất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong các khu công nghiệp.

Đây là cách đại dịch Covid-19 bùng lên ở Việt Nam và các nền kinh tế châu Á khác đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 1.

Các quốc gia, vốn được ca ngợi là điển hình chống dịch của cả thế giới, đã không thể ngăn chặn một đợt dịch mới với các biến thể virus nguy hiểm hơn rất nhiều. Điểm mấu chốt nhất chính là tỷ lệ tiêm chủng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ này rất thấp do vắc xin chảy hết về các nước giàu.

Đại dịch gây tổn hại lớn nhất đến các nước đang và kém phát triển. Trong đó, lao động nhập cư là đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả. Tuy nhiên, các nước phát triển cũng không tránh khỏi tác động từ đại dịch ở những nền kinh tế vốn được coi là công xưởng của thế giới. Khi các khu công nghiệp phải ngừng hoạt động, căng thẳng nguồn cung trở nên càng nghiêm trọng.

Hiện tại, Covid-19 đang bùng phát ở những trung tâm sản xuất và vận tải của châu Á. Nó khác hẳn với những gì diễn ra tại các nền kinh tế phát triển ở châu Âu hay Mỹ. Phương Tây đang nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nhiều người hân hoan tuyên bố đại dịch đã kết thúc. Vắc xin chính là chìa khóa.

Hầu hết người trưởng thành ở Mỹ đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin. Hàng chục nghìn liều thuốc có thể bị lãng phí khi không có người tiêm. Các quốc gia giàu có đã liên kết lại với nhau nhằm tạo thêm nguồn lực và vắc xin cho các nước nghèo hơn nhằm chống chọi với nguy cơ bùng phát dịch mới do các biến thể mới gây ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo những nỗ lực này là chưa đủ để tiêm chủng cho phần lớn dân số toàn cầu, cách duy nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus thì cho rằng: "Thế giới đang đối mặt với sự gia tăng số ca mắc. Chúng ta đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh khi không có vắc xin. Chúng ta đang chạy đua cho mạng sống của mình nhưng đó không phải một cuộc đua công bằng".

Nỗi khổ người lao động nhập cư

Trong gần như cả năm 2020, số ca mắc Covid-19 ở Thái Lan hiếm khi vượt qua con số hàng chục ca mỗi ngày. Dù quốc gia này trải qua một đợt sóng nhẹ hồi tháng Giêng và tháng 2 nhưng đến tháng 3, đại dịch lại một lần nữa được kiểm soát và giảm số ca mắc mới. Tuy nhiên, đợt dịch bùng lên vào tháng 4 đã khiến tình hình trở nên đáng quan ngại với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày.

Một lao động nhập cư 30 tuổi nhiễm Covid-19 ở Thái Lan kể anh bị đưa đến một cơ sở cách ly tạm của Chính phủ cùng với trẻ em và người già. Hơn 100 công nhân tại nhà máy của anh ta ở tỉnh Samut Prakan đã mắc Covid-19 khi làn sóng mới nhất bùng lên.

Đây là cách đại dịch Covid-19 bùng lên ở Việt Nam và các nền kinh tế châu Á khác đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 2.

Người đàn ông tới từ Myanmar này cho biết với điều kiện phải giấu tên vì sợ ảnh hưởng đến công việc. Suốt thời gian đó, anh ta cho biết cơ sở này không có đủ thức ăn, nước uống và vật tư y tế. Bên cạnh lo sợ dịch bệnh, họ cũng luôn lo lắng về gia đình và sinh kế của mình. Họ không thể làm việc hay kiếm tiền trong khu cách ly.

Anh ấy là một trong hàng chục nghìn người ở Thái Lan bị ảnh hưởng khi dịch bệnh bùng lên trong các nhà máy. Ngành công nghiệp thủy sản, điện tử tới may mặc của Thái Lan chịu tác động nặng nề khi phải đóng cửa. Việc các công nhân đứng rất gần nhau trên mỗi dây chuyền là lý do khiến dịch bệnh dễ lây lan hơn.

Trong khi đó, tiếp cận vắc xin là bài toán khó với Thái Lan. Không đủ tiền để cạnh tranh với các nền kinh tế giàu có, Thái Lan và Malaysia cũng không đủ điều kiện để mua vắc xin với giá thấp hoặc được nhận trợ cấp từ Sáng kiến Vắc xin Toàn cầu COVAX. Tình trạng thiếu nguồn cung vắc xin cùng dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ ở Ấn Độ khiến tình hình ở châu Á thực sự rất đáng quan ngại.

Đòn đánh mạnh vào kinh tế

Các đợt bùng phát ở châu Á có thể gây rắc rối cho dòng chảy thương mại toàn cầu, đặc biệt là nếu các công ty và chính phủ không thể vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa đảm bảo cho các nhà máy tiếp tục hoạt động.

Khi thế giới thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, nhu cầu về mọi thứ, từ ô tô đến thiết bị điện, đều tăng vọt. Nó gây áp lực lên chuỗi cung ứng, nhất kaf khi các công ty hoàn toàn mất cảnh giác trước sự phục hồi. Họ không chỉ thiếu lao động mà còn thiếu cả nguồn cung các thành phần quan trọng phục vụ sản xuất.

Đây là cách đại dịch Covid-19 bùng lên ở Việt Nam và các nền kinh tế châu Á khác đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 3.

Đài Loan là ví dụ. Nền kinh tế này đã chứng kiến số ca mắc lan rộng trong toàn bộ lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn quan trọng của hòn đảo. Cuối cùng, giải pháp mà chính quyền hòn đảo này đưa ra là tiêm vắc xin với sự hỗ trợ của Mỹ. 2,5 triệu liều đã được chuyển tới đây vào cuối tháng 6.

Tuy nhiên, tình trạng bùng phát dịch bệnh ở Đài Loan vẫn làm phức tạp hơn cuộc khủng hoảng chip toàn cầu. Hoạt động sản xuất ở nhiều quốc gia đã bị đình trệ khi khan hiếm chip. Dịch bùng phát ở các quốc gia châu Á cũng làm trầm trọng thêm vấn đề này.

"Đông Nam Á đã thành công rực rỡ trong việc cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Khu vực này đã tìm ra thị trường ngách và sản xuất những hàng hóa có giá trị cao trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nếu làn sóng Covid-19 tấn công và làm gián đoạn lĩnh vực sản xuất ở đây, tác động sẽ vô cùng lớn", ông Stephen Morrison, Phó chủ tịch cấp cao Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên