Đây là đất nước được dự đoán sẽ trở thành "Trung Quốc thứ 2" tại Châu Phi
Bất chấp những xung đột sắc tộc, IMF dự đoán tăng trưởng trong 5 năm tới của Ethiopia là vô cùng khả quan với mức bình quân 6,2%.
- 28-10-2017Trung Quốc phải đóng cửa nhiều tuyến đường vì khói mù dày đặc
- 27-10-2017Trung Quốc sẽ sớm bắt kịp thung lũng Silicon?
- 24-10-2017Vì sao nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền mua tài sản Australia?
Tại Ethiopia, một cuộc xung đột sắc tộc đang diễn biến vô cùng căng thẳng khi nhóm người thuộc dân tộc Oromos và Somalis liên tục có những cuộc biểu tình nhằm giành quyền kiểm soát lãnh thổ trên đất nước. Trong tháng 9 vừa qua, ít nhất 30 người đã thiệt mạng liên quan đến những cuộc đụng độ này. Cảnh sát và quân đội đã được huy động nhằm trấn an tình hình nhưng sự việc vẫn chưa lắng xuống.
Do hoạt động theo mô hình liên bang nên việc tranh giành quyền liếm soát đất đai giữa các sắc tộc thường xảy ra ở Ethiopia. Tuy nhiên, điều bất ngờ là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá nền kinh tế Ethiopia đã tăng trưởng vô cùng tốt và sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.
Năm 2000, quốc gia này là đất nước nghèo thứ 3 trong số những nước nghèo nhất thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ vào khoảng 650 USD/người. Hơn 50% số dân nước này sống dưới mức tiêu chuẩn nghèo quốc tế, mức cao nhất thế giới.
Dẫu vậy, báo cáo mới đây của IMF cho thấy đối với những nền kinh tế có ít nhất 10 triệu người trở lên, Ethiopia là quốc gia đứng thứ 3 về tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người.
Tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong khoảng 2000-2016 (%)
Số liệu mới nhất của Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng cho thấy tỷ lệ nghèo đói của Ethiopia đã giảm từ hơn 50% xuống chỉ còn 31% vào năm 2011.
Bất chấp những xung đột sắc tộc, IMF dự đoán tăng trưởng trong 5 năm tới của Ethiopia là vô cùng khả quan với mức bình quân 6,2%.
Đáng lẽ với mức tăng trưởng này, nhiều nền kinh tế đã có thể ăn mừng nhưng do xung đột sắc tộc, dân số tăng trưởng nóng và tỷ lệ nghèo đói cao nên Ethiopia vẫn còn rất nhiều thứ phải làm trước khi có thể thực sự ghi nhận thành quả tăng trưởng.
Theo dự đoán của Liên hiệp quốc (UN), Ethiopia sẽ có tới 190 triệu dân vào năm 2050 từ mức 100 triệu dân như hiện nay, ghi nhận mức tăng trưởng dân số thuộc hàng đầu thế giới.
Sự vươn lên của 1 nước nghèo
Vào thập niên 1970-1980, nền chính trị tại Ethiopa vô cùng bất ổn với sự tham gia của quân đội và những cuộc xung đột vũ trang. Đến tận năm 1991, nền chính trị tại Ethiopia mới dần ổn định, qua đó cải thiện dần mức sống của người dân.
Hiện nay, nền kinh tế của Ethiopia chủ yếu tập trung vào 2 mảng chính là dịch vụ và nông nghiệp. World Bank ước tính mức tăng trưởng bình quân hàng năm 10,8% của Ethiopia trong khoảng 2004-2014 có một nửa đến từ mảng dịch vụ như chăm sóc sức khỏe hay giao thông vận tải. Đây là kết quả tất yếu của quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của đất nước.
Trong khi đó, báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) cho thấy ngành nông nghiệp đóng góp tới 3,6% tăng trưởng trong khoảng 2004-2014 là do tiến bộ trong việc áp dụng giống cây trồng cũng như phân bón.
Đặc biệt, ngành xuất khẩu hoa của Ethiopia đã bùng nổ mạnh khi tăng xuất khẩu từ 3 tấn năm 2003 lên hơn 50.000 tấn hoa năm 2012. Số lao động trong ngành này tăng từ 25.000 người lên 50.484 người hiên nay. Số soanh nghiệp tăng từ 1 công ty năm 2000 lên 100 hãng năm 2014.
Nhờ sự phát triển của ngành xuất khẩu hoa, hàng loạt mảng kinh doanh khác như đóng gói, logistic, vận chuyển... cũng được hưởng lợi.
Về mảng công nghiệp, ngành này cũng đang tăng trưởng nóng bình quân 10% mỗi năm, tất nhiên với sự yếu kém về công nghệ và cơ sở hạ tầng nghèo nàn, mức tăng trưởng này chưa đem lại thay đổi đáng kể gì cho Ethiopia. Dẫu vậy, nghiên cứu của Trung tâm phát triển toàn cầu (CGD) cho thấy Ethiopia sẽ trở thành một “Trung Quốc thứ 2” tại Châu Phi.
Việc chi phí nhân công tăng cao ở Trung Quốc kèm những vụ việc lạm dụng lao động trẻ em đang khiến các hãng sản xuất chú ý nhiều hơn đối với thị trường Châu Phi cũng như Ethiopia. Hàng loạt những thương hiệu như H&M, Guess hay J Crew đã khảo sát thị trường Ethiopia, nơi có chi phí bình quân cho mỗi lao động chỉ vào khoảng 909 USD, tương đương với Bangladesh.
Trong mảng giáo dục, Ethiopia cũng có những thành công đáng kể khi số học sinh theo học cấp 3 tại đây đã tăng từ 20% đầu thập niên 1990 lên 94% năm 2012. Số trường đại học ở quốc gia này cũng tăng từ 1 trường năm 1990 lên hơn 30 hiện nay.
Về mặt cơ sở hạ tầng, Ethiopia cũng đang tăng cường hoàn thiện. Trong khoảng 1997-2011, nước này đã mở rộng hệ thống đường bộ từ 26.550 km lên 53.997 km. Nguồn cung điện năng của Ethiopia cũng được dự đoán tăng 4 lần khi đạp thủy điện trên sông Nile được hoàn thành vào năm 2018.
Nhờ sự tăng trưởng của ngành xây dựng, sản lượng xi măng của Ethiopia cũng tăng chóng mặt kể từ năm 1999. Sản lượng xi măng bình quân hàng năm của nước này đã cao gấp đôi mức bình quân toàn cầu và Ethiopia hiện là nước sản xuất xi măng lớn thứ 3 Châu Phi.
Đầu tư từ Trung Quốc
Nói đến thành công của Ethiopia thì không thể không nhắc đến Trung Quốc. Trong suốt nhiều thập niên, Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay vào Châu Phi, trong đó có Ethiopia nhằm gia tăng lợi ích cũng như kiếm thêm đồng minh.
Ban đầu, phần lớn các khoản đầu tư này là vào những dự án cỡ lớn như bệnh viện hay sân vận động nhằm kiếm lợi ngắn hạn. Tuy nhiên, dần dần các nhà đầu tư Trung Quốc nhận ra tiềm năng của Châu Phi và chuyến hướng sang các dự án cơ sở hạ tầng nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng như tận dụng sự bùng nổ của thị trường mới này.
Theo ước tính của Viện McKinsey Global Institute, Châu Phi sẽ có đến 1,1 tỷ lao động, mức cao nhất thế giới. Vào năm 2025, người tiêu dùng tại thị trường này sẽ tiêu thụ khoảng 2 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Nếu như trước đây các nước Châu Phi như Ethiopia chập nhận viện trợ của Trung Quốc để đổi lấy quyền khai thác tài nguyên thì nay những nhà đầu tư Châu Á lại đồng ý cho vay lãi suất ưu đãi, đổi lại tận dụng thị trường tiêu dùng đang ngày càng bùng nổ nơi đây.
Con đường lắm chông gai
Mặc dù có nhiều tiến bộ vươt bậc về kinh tế nhưng Ethiopia vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Sự xung đột sắc tộc tại đất nước này đã khiến hơn 500 người thiệt mạng kể từ cuối năm 2015. Cuộc đụng độ gần đây giữa 2 nhóm sắc tộc Oromos và Somalis đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và 600 người bị thương.
Hội nghị năm 1995 đã giúp các sắc tộc ở Ethiopia đi đến thống nhất như một nhà nước liên bang, trong đó các dân tộc được quyền giữ lại bản sắc văn hóa và tiếng nói của mình. Tuy động thái này giúp thống nhất đất nước và chấm dứt tình trạng phân chia kéo dài nhưng cũng manh nha nhiều cuộc xung đột lợi ích giữa các bang.
Đặc biệt, những dân tộc thiểu số do không nhận được nhiều lợi ích so với các dân tộc chiếm số đông đã cảm thấy bất mãn và đòi hỏi một sự phia quyền lực công bằng trong chính phủ.
Bên cạnh rắc rối về sắc tốc, tình trạng cơ sở vật chất hạ tầng kém cũng đang kìm hãm sự phát triển của Ethiopia bất chấp những đầu tư mạnh tay của đất nước. Nhiều năm xung đột vũ trang đã tàn phá nặng nề quốc gia này.
Thêm vào đó, việc dựa dẫm quá nhiều vào nguồn vốn vay từ Trung Quốc đang khiến Ethiopia trở nên vô cùng bị động trong việc giữ gìn đà tăng trưởng nóng của đất nước.
Rõ ràng, dù được mệnh danh là Trung Quốc thứ 2 tại Châu Phi nhưng Ethiopia vẫn còn chặng đường rất dài phải đi để hoàn toàn thoát khỏi đói nghèo và vươn lên thành nước phát triển.