MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ 4G, khẩn trương nghiên cứu để thử nghiệm công nghệ 5G

11-09-2018 - 11:57 AM | Thị trường

Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phát triển dịch vụ 4G, khẩn trương nghiên cứu để triển khai thử nghiệm công nghệ 5G...

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP yêu cầu trong những tháng còn lại của năm 2018, các bộ, cơ quan, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, bám sát yêu cầu và tình hình thực tiễn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra gắn với đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Trong đó có nội dung đáng chú ý liên quan đến lĩnh vực thông tin truyền thông. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, thúc đẩy ứng dụng, phát triển công nghệ và các doanh nghiệp công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; tích cực triển khai Chương trình Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; phối hợp với Văn phòng Chính phủ đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử; đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng; quản lý các mạng xã hội theo đúng quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển dịch vụ 4G, khẩn trương nghiên cứu quy hoạch tần số để sớm triển khai thử nghiệm công nghệ 5G. Chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội...

Trong một diễn biến khác, mới đây, tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Thông tin và Truyền thông vào sáng ngày 8/9/2018, Viettel, MobiFone, VNPT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại kênh thanh toán thẻ cào viễn thông để nạp tiền cho các dịch vụ nội dung số.

Tại buổi làm việc, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đề nghị Chính phủ và Bộ TT&TT sớm có chính sách cho phép các doanh nghiệp viễn thông tham gia vào các khâu trong thanh toán điện tử.

Theo ông Thắng, trong quá trình triển khai dịch vụ viễn thông và CNTT có những dịch vụ diễn ra rất nhanh, đi trước luật và thông tư, nghị định ban hành. Khi doanh nghiệp làm các dịch vụ mới hay bị sai vì chính sách chưa có, doanh nghiệp gửi văn bản xin ý kiến cơ quan nhà nước  thì được trả lời chưa có trong quy định. Do đó, Viettel đề nghị trong lĩnh vực viễn thông và CNTT cần có quy định đặc thù khi đưa ra các dịch vụ mới. Khi có dịch vụ mà chưa có trong quy định, doanh nghiệp báo cáo lên thì Bộ xem xét những dịch vụ hợp pháp, không vi phạm pháp luật và cho phép làm trước. Sau khi doanh nghiệp triển khai 6 tháng hay 1 năm, Bộ triển khai xây dựng chính sách cho phù hợp thực tiễn doanh nghiêp.

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT đề nghị Chính phủ cần sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào lĩnh vực thanh toán điện tử. Trên thế giới đã thúc đẩy thanh toán không tiền mặt từ rất lâu, ở Việt Nam triển khai khá chậm, bởi vì để thanh toán không dùng tiền mặt thì người dân cần có tài khoản ngân hàng, việc phổ cập dịch vụ ngân hàng tới 100% dân số là khá khó khăn. Trong khi các nhà mạng có kênh thẻ cào phủ rất rộng, nếu sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán một số dịch vụ sẽ tiện lợi.

Có cùng ý kiến với Viettel và VNPT, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch MobiFone, đề nghị cần có hành lang chính thức để cho các doanh nghiệp khác sử dụng thẻ cào viễn thông trong thanh toán. Các dịch vụ cốt lõi viễn thông đang chững lại và giảm xuống trong mấy năm gần đây, các nhà mạng đang trông chờ vào phát triển sang nội dung số và CNTT.

Các nhà mạng có tài khoản thuê bao lớn lên tới 120 triệu thuê bao, có hệ thống quản lý thẻ thông minh, có thể theo dõi được thẻ đó nạp vào đâu, chi tiêu thế nào. Chính vì vậy chi phí sử dụng chung hạ tầng thanh toán qua kênh thẻ cào rất hiệu quả khi các doanh nghiệp khác sử dụng thẻ cào của nhà mạng để thanh toán dịch vụ.

Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên