Đẩy mạnh số hóa giúp TPBank tăng lợi nhuận, giảm nhân sự và khách hàng được lợi
Nhờ đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, đồng thời tăng cường số hóa quy trình nội bộ, tự động hóa nhiều công đoạn không cần tới nhân viên mà năng lực đáp ứng dịch vụ của TPBank được nâng cao, không cần tăng thêm thêm nhân sự dù quy mô và hiệu quả đều tăng.
Công nghệ cũng giúp nhà băng giảm chi phí trên mỗi giao dịch, nhờ đó khách hàng TPBank được hưởng nhiều tiện ích hiện đại với phí dịch vụ thấp, thậm chí được miễn phí nhiều loại giao dịch.
9 tháng đầu năm 2018, mỗi nhân viên TPBank làm ra lợi nhuận trung bình 37,5 triệu đồng/tháng, đồng thời thu nhập nhân viên cũng tăng mạnh, đưa TPBank thành một trong những ngân hàng TMCP trả lương nhân viên cao nhất trong ngành.
Sang đến quý IV/2018, số liệu thực tế ghi nhận có một số ngân hàng giảm lượng nhân sự so với đầu năm là TPBank, PGBank, Saigonbank và Eximbank, trong đó TPBank giảm nhiều nhất với 127 nhân sự so với đầu năm, tương đương với mức giảm 2.6% tổng nhân sự của ngân hàng.
Trong khi hầu hết các ngân hàng đều có sự gia tăng về nhân sự tương ứng với tăng trưởng về quy mô và lợi nhuận so với năm 2017, TPBank thì ngược lại, dù có mức tăng trưởng lợi nhuận gần gấp đôi cùng kỳ năm trước và các chỉ số kinh doanh tốt nhất từ trước tới nay, nhưng số nhân sự của TPBank lại giảm khá nhiều, nếu tính cả đến việc Ngân hàng này vừa mở thêm khá nhiều chi nhánh mới tại các địa phương trong cả nước. Vậy điều gì đang xảy ra?
Đầu tiên, công nghệ đang tác động mạnh đến việc hiệu quả sử dụng nhân sự của Ngân hàng này. Nói cách khác, nhiều công việc thủ công do nhân viên thực hiện nay đã được chuyển giao cho máy tính và AI (trí thông minh nhân tạo). Khá nhiều khâu liên quan đến dịch vụ khách hàng, các thủ tục, mẫu biểu, công tác nhập liệu, xử lý dữ liệu, thông tin báo cáo... đã được cải tiến để rút ngắn thời gian, giảm bớt số bước, số trang, số chữ ký, đồng thời nhiều công đoạn được chuyển sang tự động hóa với sự trợ giúp của các chatbot, autobot.
Tại TPBank, việc hạch toán và chuyển điện giao dịch sang các kênh thanh toán trong nước CITAD, NAPAS và hệ thống thanh toán quốc tế đã tự động hóa 99%, đồng thời mở rộng chức năng xử lý giao dịch theo lô, tiết kiệm đáng kể nguồn lực cho nghiệp vụ thanh toán. TPBank cũng đã triệt để triển khai áp dụng hệ thống CRM (Quản lý Quan hệ khách hàng), vốn được The Asian Banker đánh giá là xuất sắc nhất hiện nay, giúp giảm bớt công tác nhập liệu và luân chuyển hồ sơ, trong khi lại quản lý và chăm sóc khách hàng tốt hơn.
TPBank cũng vừa triển khai thành công các giải pháp công nghệ mới như bảo mật sinh trắc học - vân tay, giọng nói và thanh toán phi tiếp xúc, tiết kiệm hàng triệu phút giao dịch giữa khách hàng với nhân viên ngân hàng, trong khi lại bảo mật tốt hơn, giúp giảm khá nhiều công sức và nhân lực. Việc chuyển từ các hồ sơ giấy tờ thành hồ sơ số hóa cũng giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí. Nhờ nghiên cứu, áp dụng những công nghệ mới thay thế cho việc xử lý thủ công, TPBank đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng chi phí vận hành, giảm thiểu, hạn chế được các rủi ro giao dịch, tăng mức độ hài lòng của khách hàng.
Nhiều quy trình nội bộ tại TPBank đã được số hóa, giúp tăng năng suất, giảm thời gian phục vụ, đem lại lợi ích cho khách hàng và ngân hàng.
Mảng huy động vốn, nhờ phát triển những kênh tiết kiệm điện tử thuận tiện và lãi suất hấp dẫn, như tiết kiệm điện tử trên EBank, ứng dụng tiết kiệm vạn năng Savy, hay nhờ có các điểm giao dịch LiveBank 24/7 có thể gửi tiết kiệm bất kỳ khi nào mà TPBank đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ về huy động vốn trên các kênh online, chiếm tỉ trọng cao trong tổng huy động vốn của ngân hàng, trong khi không cần tăng quá nhiều nhân sự cho hoạt động huy động vốn.
Đối với mảng tín dụng, định hướng ngân hàng bán lẻ thường khá tốn nhân lực nhưng TPBank đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để giảm thời gian và nguồn lực cho các khâu vận hành, nhập liệu, thu thập thông tin khách hàng. Nhờ vậy, số lượng khách hàng được tiếp cận và phục vụ tăng mạnh mà không cần tăng nhiều nhân viên, trong khi công tác quản lý tín dụng và quản trị rủi ro được cải thiện.
Đối với dịch vụ ngân hàng số, TPBank trở thành ngân hàng đầu tiên xây dựng được ngân hàng tự động toàn diện. Tính đến nay, đã có gần 100 máy LiveBank được đưa vào sử dụng. Hiện, đã có hàng triệu giao dịch với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng được thực hiện qua LiveBank. Khảo sát khách hàng cho thấy độ hài lòng với LiveBank ngày càng cao (đạt 99.2%), chứng minh được tính hiệu quả của hệ thống, đáp ứng nhu cầu giao dịch tăng cao không hạn chế về thời gian, không cần phải duy trì số nhân sự lớn để vận hành.
Bên cạnh đó, việc triển khai cơ chế đánh giá và chi trả thu nhập theo các bộ KPI áp dụng với tất cả các chức danh, kể cả cán bộ kinh doanh lẫn cán bộ gián tiếp, cán bộ hỗ trợ, từ cán bộ quản lý đến nhân viên được thực hiện hiệu quả, đã thúc đẩy việc tiết kiệm nhân lực, tăng năng suất lao động và qua đó tăng thêm thu nhập cho cán bộ nhân viên.
So với đầu năm, thu nhập bình quân của nhân viên TPBank cũng đã nhảy vọt lên mức 26,5 triệu đồng/tháng, tăng 9,8 triệu đồng và là mức tăng mạnh nhất trong toàn ngành.