MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác khí tượng thủy văn

13-06-2022 - 15:28 PM | Kinh tế số

Ngành khí tượng thủy văn sẽ chú trọng ứng dụng các thành tựu mới nhất của CMCN 4.0 vào công tác dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai.

Ngành khí tượng thủy văn sẽ chú trọng ứng dụng các thành tựu mới nhất của CMCN 4.0 vào công tác dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, viễn thám và các công nghệ hiện đại khác trong công tác khí tượng thủy văn.

Thực hiện Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường vạch ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy sự phát triển của ngành khí tượng thủy văn.

Nhóm thứ nhất là hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn, trong đó tập trung ưu tiên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật về khí tượng thủy văn; xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khí tượng thủy văn; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến hoạt động khí tượng thủy văn.

Nhóm thứ hai là hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin dữ liệu, nâng cao năng lực công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Kế hoạch đưa ra là rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn đảm bảo sự lồng ghép tối đa giữa các mạng lưới quan trắc thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường, lấy mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn làm nòng cốt trong tổng thể mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia, từng bước hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng tự động hóa.

Bên cạnh đó sẽ hoàn thiện hệ thống tích hợp dữ liệu tập trung, thực hiện các hoạt động chuyển đổi số lĩnh vực khí tượng thủy văn, hiện đại hóa công tác thu nhận dữ liệu khí tượng thủy văn. Xây dựng hệ thống hỗ trợ dự báo khí tượng thông minh, hệ thống dự báo tác động, đánh giá tổng thể và phân vùng chi tiết rủi ro thiên tai khí tượng, thủy văn, hải văn, đánh giá và cập nhật tài nguyên khí hậu, tài nguyên nước, xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực cho các khu vực vùng núi, trung du, chi tiết tới cấp huyện, xã và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Để thực hiện các nội dung trên, Kế hoạch nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Cụ thể, tập trung xây dựng và hoàn thiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác khí tượng thủy văn, tăng cường đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực khí tượng thủy văn. Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, viễn thám và các công nghệ hiện đại khác trong công tác khí tượng thủy văn, triển khai các đề án, dự án, chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về khí tượng thủy văn.

Ngoài ra, có hai nhóm giải pháp khác được Kế hoạch đề cập đến gồm tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng về khí tượng thủy vănHợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn.

Thực hiện các nội dung trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Khí tượng Thủy văn thực hiện nhiệm vụ đầu mối tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện, đề xuất các biện pháp cần thiết đảm bảo thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Kế hoạch này.

Theo Nguyễn Hoài

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên