Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm: Tạo nền tảng cho sự tăng trưởng
Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm. Do đó, dồn đầu tư công cho hạ tầng giao thông đang là vấn đề được quan tâm đẩy mạnh.
- 20-02-2024Xã nông thôn có 2 cây cầu nối 3 tỉnh, tương lai sẽ trở thành điểm kết nối 2 thành phố trực thuộc trung ương
- 20-02-2024Trình Bộ Chính trị dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong tháng 3/2024
- 19-02-2024Xây dựng đường nối cao tốc Bắc - Nam đi cảng Nghi Sơn
Trong 3 đột phá chiến lược gồm: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực thì đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trong những năm qua đang làm thay đổi bộ mặt đất nước. Bởi giao thông chính là “mạch máu” của nền kinh tế.
Đến nay, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành 9/11 dự án thành phần giai đoạn 2017 - 2020 và dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ theo đúng kế hoạch, nâng tổng số đường cao tốc lên 1.892km, trong đó riêng năm 2023 là 475 km; 2 dự án còn lại đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Bên cạnh đó, các dự án cao tốc khác như Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang; Cao Lãnh - An Hữu; Bến Lức - Long Thành đang được các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai bám sát tiến độ đề ra. Còn dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và dự án Bến Thành - Suối Tiên, đang được Hà Nội và TPHCM rà soát, tháo gỡ các vướng mắc trong hợp đồng, thực hiện đào tạo nhân sự, hoàn tất các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, nghiệm thu công trình, chứng nhận an toàn hệ thống để phấn đấu vận hành đoạn tuyến Nhổn - ga Hà Nội và dự án Bến Thành - Suối Tiên vào tháng 7/2024.
Đối với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, các gói thầu đang tổ chức thi công như gói thầu 5.10 Nhà ga hành khách, gói thầu xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay đã được Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chỉ đạo các nhà thầu triển khai bám sát tiến độ. Các gói thầu chưa khởi công thuộc dự án thành phần 1 xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước, dự án thành phần 4 xây dựng các công trình thiết yếu đang được các cơ quan chủ quản triển khai các thủ tục đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư. Gói thầu Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được ACV triển khai thi công, bám sát tiến độ đề ra, đến nay giải ngân đạt 2.477/10.825 tỷ đồng (23%).
Điều đó cho thấy tăng tốc đầu tư công mà chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông đem lại những tiền đề tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhất là năm 2024 cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tập trung giải ngân đầu tư công, với các dự án giao thông được đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; tạo không gian phát triển mới vì đường đi đến đâu, mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là phát triển công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, các tiềm năng phát triển của đất nước có phát huy được hay không phụ thuộc rất lớn và trực tiếp vào hệ thống giao thông. Giao thông phát triển làm giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, tăng thêm sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ Việt Nam.
Theo ông Quyền, nếu tập trung đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm sẽ tạo được sự kết nối và tính lan tỏa và phát huy được lợi thế, tiềm năng của đất nước, tạo động lực mới cho sự phát triển.
“Nếu tăng cường đầu tư công vào hạ tầng giao thông sẽ giúp tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đồng thời cũng sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, khai thác được tiềm năng lợi thế về đất đai, giảm chi phí logistics tăng tính cạnh của hàng hóa nói chung, và tác động kép đến nhiều mặt của nền kinh tế. Bởi đầu tư vào một công trình dự án thì có thể sau một vài năm mới đem lại hiệu quả nhưng đầu tư vào công trình giao thông thì có thể thấy tính lan tỏa và hiệu quả ngay” - ông Quyền bày tỏ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích, trong những năm qua chúng ta đã tăng cường đầu tư phát triển các công trình giao thông trọng điểm và đem lại những hiệu quả tốt. Trong năm 2023 đã hoàn thành gần 500km đường cao tốc, và trong 1-2 năm tới sẽ thấy rõ tính hiệu quả.
Bên cạnh đầu tư công vào hạ tầng giao thông, theo ông Thịnh, cũng cần quan tâm phát triển các hạ tầng khác như: hạ tầng phát triển công nghệ cao. Đầu tư công trong năm 2024 và 2025 nên tạo những bước chuyển để từ đó tạo nên chuyển đổi kinh tế trong giai đoạn 2021-2025, từ đó từ năm 2026-2027 trở đi có được nền tảng mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững, cũng như đi tắt đón đầu tạo ra năng suất lao động cao, hiệu quả.
“Cuối năm 2023, đầu năm 2024 nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đang đầu tư vào sản xuất bán dẫn, chip, linh kiện điện tử, mong muốn ta trở thành nơi cung cấp các sản phẩm bán dẫn và con chip cho thế giới. Nếu không tạo ra hạ tầng từ giao thông vận tải cho đến hạ tầng về điện, internet thì khó có thể hút các nhà đầu tư” - ông Thịnh cho hay.
Cũng xin được nhắc thêm rằng, vừa qua tại hội thảo phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM, GS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho biết, tắc nghẽn giao thông mỗi năm làm thiệt hại 11 tỷ USD cho New York, 8,2 tỷ USD cho Los Angeles, và 7,6 tỷ USD cho Chicago.
Ông Khương đưa ra cảnh báo rằng, Hà Nội và TPHCM sẽ tổn thất rất lớn nếu không chú trọng đặc biệt vào phát triển hệ thống đường sắt đô thị, trong đó mỗi địa phương gánh chịu thiệt hại tối thiểu 2-3 tỷ USD/năm vì tắc nghẽn giao thông. Do đó đầu tư vào hạ tầng giao thông đang là vấn đề mang tính bức thiết.
“
Ngày 16/2, tại phiên họp trực tuyến với 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải nhấn mạnh: Trong những năm vừa qua, việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông đã được thúc đẩy, tạo ra phong trào, xu thế, không chỉ Trung ương mà địa phương cũng làm được. Năm 2021-2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án, năm 2023 triển khai đồng loạt, năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.
Đại đoàn kết