MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐB Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về cán bộ bị tố được bổ nhiệm "thần tốc"

07-11-2019 - 10:35 AM | Xã hội

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, đã rà soát và có trao đổi với các cơ quan chức năng về trường hợp cán bộ Vũ Hồng Sơn được ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu ra chất vấn.

Cán bộ bị tố được bổ nhiệm "thần tốc" vẫn giữ ở Ban chỉ đạo 389 Quốc gia?

Tại phiên chất vấn chiều 6/11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đặt câu hỏi: "Vì sao đã nâng cấp Cục Quản lý thị trường lên Tổng cục với lời hứa là sẽ chấn chỉnh công tác quản lý mà vẫn còn tình trạng rối loạn thị trường, buôn lậu, hàng giả hàng nhái kém chất lượng vẫn là vấn nạn gây bức xúc cho nhân dân?".

Ông Nhưỡng đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cảm ơn ý kiến của đại biểu Nhưỡng về vấn đề của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT).

Ông Tuấn Anh nói, trong một năm qua, Bộ đã triển triển khai rất quyết liệt và kịp thời công tác kiện toàn bộ máy theo quy định của Pháp lệnh quản lý thị trường.

"Trên thực tế, hiện bộ máy của Tổng Cục, các Cục, Đội ở địa phương đã hoàn thiện, cơ bản hoạt động đã hiệu quả và đã thực hiện được rất nhiều việc tốt có kết quả trong thời gian qua", Bộ trưởng nói và khẳng định, việc nâng cấp Tổng Cục QLTT cũng là quá trình tiếp tục tinh giản bộ máy và hoàn thiện công tác tổ chức theo hướng cải cách hành chính.

Ông dẫn chứng, số lượng các Đội cũng như các Cục quản lý thị trường ở các tỉnh đều đã cắt giảm mức độ rất đáng kể.

"Chúng tôi đã tập trung với cơ chế mới ngành dọc sẽ có sự chủ động và nâng cao trách nhiệm, gồm trách nhiệm người đứng đầu, hệ thống phối hợp với các lực lượng của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, công an, Hải quan... để thực thi nhiệm vụ bảo vệ thị trường, tập trung có trọng điểm, đánh trúng vào những đối tượng, đường dây, tổ chức quy mô lớn

Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường ở các địa phương, các địa bàn vẫn tiếp tục không buông lỏng để đảm bảo hiệu quả", ông Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, câu chuyện của buôn lậu, gian lận, hàng giả, hàng nhái hàng kém phẩm chất vẫn tiếp diễn với xu hướng ngày càng phức tạp hơn và đây là hiện tượng phổ biến trong nền kinh tế thị trường của chúng ta với quy mô, phạm vi thị trường đang trải rộng trong quốc nội và hội nhập.

Bộ trưởng cho hay, ông nhìn nhận về trách nhiệm và thấy rõ cần phải tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng về chuyên môn, phẩm chất chính trị của lực lượng quản lý thị trường nhằm thực thi công vụ của mình.

Bộ đã ban hành ban hành hai Thông tư để đảm bảo chất lượng về chuyên môn và phẩm chất chính trị của lực lượng quản lý thị trường trong thực thi nhiệm vụ công vụ của mình.

Đồng thời, phải tiếp tục phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, quy mô liên vùng liên ngành và địa bàn trọng điểm để giải quyết triệt phá được những tổ chức băng nhóm tổ chức buôn lậu và gian lận thương mại có quy mô...

"Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục tổ chức phối hợp làm tốt hơn nữa trong thời gian tới và rất mong đại biểu Quốc hội sẽ hỗ trợ, giám sát để giúp chúng tôi", ông Tuấn Anh nói thêm.

Giơ biển tranh luận sau trả lời của Bộ trưởng Công thương, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, thông tin ông được biết, tình hình về công tác cán bộ, tổ chức bộ máy chưa hoàn thiện và "anh em rất lo lắng nên không đủ sức chiến đấu".

 ĐB Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về cán bộ bị tố được bổ nhiệm thần tốc - Ảnh 1.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng.

Ông Nhưỡng cho hay, có một nhân vật ông biết đã bị tố cáo, Bộ trưởng cũng tiến hành thụ lý và ông có ý kiến với Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhưng chưa trả lời rõ.

"Chính là nhân vật ông Vũ Hồng Sơn bị phản ánh có lý lịch không đến nơi đến chốn, bổ nhiệm thần tốc nhưng hiện nay vẫn để ở Ban 389 thì có thể ảnh hưởng đến công tác quản lý thị trường?", ông Nhưỡng nêu.

Về cá nhân ông Vũ Hồng Sơn được đại biểu Nhưỡng nêu, Bộ trưởng Công Thương cho hay, đã rà soát, có trao đổi với các cơ quan chức năng như Bộ Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương về một số tiêu chí liên quan đến cán bộ và sẽ báo cáo đại biểu trong thời gian tới.

Xây dựng văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể việc ghi chứng nhận xuất xứ

Cũng tại phiên chất vấn chiều 6/11, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình rõ hơn về hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt.

Ông nói, vấn đề quan trọng nhất mà Bộ trưởng chưa trả lời là lỗ hổng về mặt pháp luật, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, đặc biệt sự công khai minh bạch về quy định thế nào là hàng Việt Nam.

"Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không. Như vậy, đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao. Vụ Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không và Việt Nam là "kinh tế mở" hay "kinh tế hở"?", ĐB Sinh hỏi.

Trả lời câu hỏi này vào sáng 7/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã dẫn nhiều luật, quy định của pháp luật hiện có về vấn đề này.

Ông Tuấn Anh, nói đây là các văn bản liên quan đến điều chỉnh thương mại trong nước và quốc tế.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, Bộ đã tiến hành tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp để phòng tránh, ngăn chặn về hành vi gian lận hàng hóa.

Người đứng đầu Bộ Công Thương thông tin, trong bối cảnh đang phải đối mặt nhiều nguy cơ gian lận hàng hoá của nước ngoài đối với xuất xứ Việt Nam trong thương mại quốc tế nên Thủ tướng đã ký văn bản nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với tất cả các khâu xuất, nhập khẩu và đầu tư nước ngoài để chống gian lận thương mại.

Bộ trưởng Công Thương cũng nêu thêm, Nghị định 43 quy định nội dung điều chỉnh chứng nhận nhãn mác, xuất xứ hàng hoá với sản phẩm lưu thông trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, văn bản 43 giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tự kê khai, tự ghi nhãn mác hàng hóa cũng như xuất xứ hàng hóa.

"Chính vì vậy, trong thời gian dài, bước đầu có hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng, như vụ Khải silk trong thời gian trước kia cũng như sau này có những câu chuyện là chưa rõ ràng trong việc ghi xuất xứ với hàm lượng như thế nào với phần giá trị gia tăng ở phần nội địa, dẫn đến có vướng mắc cho một số doanh nghiệp mà chúng ta chứng kiến câu chuyện như của Asanzo", ông Tuấn Anh nói.

Trước thực tế này, theo Bộ trưởng, từ năm 2018 Bộ đã chủ động báo cáo với Thủ tướng để đề xuất việc xây dựng một văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể việc ghi chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và lưu thông tại thị trường trong nước.

"Xác định là một việc khó nên Bộ đã báo cáo và xin ý kiến các Bộ, ngành để tổ chức xây dựng một Thông tư dưới hình thức mở.

Sau gần 1 năm xây dựng, chúng tôi đã hoàn thành dự thảo Thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hoá cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước và đang tổ chức lấy ý kiến phản biện", ông Tuấn Anh nêu.

Bộ trưởng Công Thương thông tin thêm, đối với dự thảo Thông thư, hiện đã qua qua 2 vòng lấy ý kiến và các đóng góp rất đa dạng, tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho thấy phạm vi điều chỉnh của Thông tư cần phải nghiên cứu kỹ hơn nữa để tránh tình trạng có thể ảnh hưởng đến lợi ích của chúng ta trong các hoạt động thương mại quốc tế.

Theo Hoàng Đan

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên