MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Cho doanh nghiệp tư nhân giải trình trước Quốc hội là bình đẳng, để họ được tham gia vào bàn tròn chính trị đất nước

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

Theo Nghị quyết 05 của Trung ương, doanh nghiệp tư nhân được coi là một động lực của sự phát triển xã hội nên cần được coi trọng và được đưa vào cuộc, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

Trong phiên họp tổ chiếu 25/3, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đoàn Bến Tre, Phó ban Dân nguyện Quốc hội, đã nêu quan điểm về việc nên đưa các doanh nghiệp, tập đoàn ra giải trình trước Quốc hội. Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Nhưỡng cho rằng ngoài doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân cũng có thể ra giải trình trước Quốc hội. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân.

"Doanh nghiệp tư nhân liên quan đến toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước. Theo Nghị quyết 05 của Trung ương, các doanh nghiệp tư nhân cũng được coi là động lực của sự phát triển xã hội. Khi họ là động lực, là thành phần của sự phát triển, cần coi trọng họ, cần đưa họ vào cuộc", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

Theo ông Nhưỡng, việc các doanh nghiệp tư nhân ra giải trình trước Quốc hội có thể giúp Quốc hội, Nhà nước nhìn rõ thực trạng cũng như những khó khăn, vướng mắc của họ. Ngoài ra, việc giải trình trước Quốc hội còn giúp vị thế của doanh nghiệp tư nhân trở nên xứng đáng với tư cách là "một động lực của sự phát triển" mà Nghị quyết 05 của Trung ương đã nêu ra.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Cho doanh nghiệp tư nhân giải trình trước Quốc hội là bình đẳng, để họ được tham gia vào bàn tròn chính trị đất nước - Ảnh 1.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

"Với việc giải trình, điều trần trước Quốc hội, các doanh nghiệp tư nhân phải thực sự tham gia vào bàn tròn chính trị của đất nước chứ không phải là một bên ngoài cuộc. Ý tôi không muốn nói đến sự tiêu cực mà là sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Tư nhân hay quốc doanh cũng đều là các thành phần kinh tế, liên quan tới chính trị và là nền tảng của chính trị. Họ phải tham gia vào", ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, với phạm vi hoạt động ngày càng rộng, doanh nghiệp tư nhân có thể liên kết với nhà nước hay đấu thầu sử dụng vốn nhà nước. Chính vì vậy, nếu không tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động chính trị, có thể xảy ra vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm, tham nhũng. Ngoài ra, việc đưa doanh nghiệp tư nhân giải trình trước Quốc hội đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh đưa doanh nghiệp tư nhân vào là đúng với đường lối, quan điểm của Đảng. Bên cạnh đó, việc này còn thể hiện sự coi trọng vai trò, vị trí, sự bình đẳng của các doanh nghiệp tư nhân với các thành phần kinh tế khác. Mặt khác, Nhà nước, Quốc hội cũng nắm được tình hình thực trạng của doanh nghiệp.

"Giống như sờ voi, anh chỉ sờ doanh nghiệp nhà nước là chỉ sờ vào 1 phần nào đó chứ không phải toàn bộ con voi. Như vậy là còn những bộ phận khác của hoạt động kinh tế chưa được đụng vào, không mang lại cái nhìn toàn diện về hệ thống kinh tế nhà nước, các chủ thể của kinh tế nhà nước", ông Nhưỡng cho biết.

Ngoài ra, việc điều chỉnh chính sách theo hướng này có thể giúp mọi doanh nghiệp đều được quyền đóng góp vào các hoạt động kinh tế, họ có vinh dự tham gia vào chính trường và doanh nghiệp có thể ra Nghị trường.

Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào doanh nghiệp tư nhân cũng có thể được yêu cầu ra giải trình trước Quốc hội. Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, nếu Quốc hội thấy cần thiết phải yêu cầu giải trình, một doanh nghiệp, tập đoàn nào đó mới phải ra giải trình, ông Nhưỡng nói.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Cho doanh nghiệp tư nhân giải trình trước Quốc hội là bình đẳng, để họ được tham gia vào bàn tròn chính trị đất nước - Ảnh 2.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, một trong 16 thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Chia sẻ về đề xuất của ĐBQG Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân của đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng có thể nên yêu cầu các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng ra giải trình trước Quốc hội. Tuy nhiên, ông Ngân cho biết cần phải nghiên cứu thêm để đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Theo ông Ngân, quy định yêu cầu doanh nghiệp ra giải trình trước Quốc hội phải có tiêu chí rõ ràng như khi nào một doanh nghiệp phải ra điều trần. Trong giai đoạn đầu, có thể thí điểm việc yêu cầu các doanh nghiệp, tập đoàn quốc doanh ra giải trình với Quốc hội bởi họ sử dụng vốn nhà nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp gây ra tác động, ảnh hưởng lớn tới môi trường, xã hội... cũng có thể nhận được yêu cầu ta giải trình tại Nghị trường.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên