ĐBQH: Cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội đang tụt hậu so với xã hội và tụt hậu so với chính mình cách đây 6 năm!
"Chỉ số CPI hàng năm của chúng ta tăng khoảng 3-3,5%. Như vậy sau 6 năm, nếu tính CPI thì ta đã trượt giá 20%, tức là mức 270.000VND cũng đã trượt giá 20%. Mà đặc biệt, những người ở trong diện bảo trợ xã hội, giỏ hàng hóa của họ trượt giá lại còn cao hơn trượt giá chung, như vậy ước tính giá trị của mức bảo trợ xã hội giảm 30% so với năm 2013" - Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (đoàn Tiền Giang) phát biểu trước Quốc hội.
- 31-10-2019Reuters: Vì sao có những người Việt bán nhà, bán đất để "đi Tây"?
- 30-10-2019Từ việc Dạ Lan, Kinh Đô, X-men... "bán mình" đến những rủi ro khi M&A chạm "lõi" nền kinh tế
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (đoàn Tiền Giang) phát biểu: "Trong báo cáo vừa rồi, Thủ tướng cũng thẳng thắn đánh giá vẫn còn những hạn chế, đời sống của một bộ phận nhân dân còn rất khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi chưa thấy Chính phủ đề ra giải pháp để có thể xử lý một cách toàn diện vấn đề này".
Về đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội, hiện nay Việt Nam có 5 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV có hoàn cảnh đặc biệt, người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, người cao tuổi và nhóm người khuyết tật đặc biệt nặng, theo thống kê có khoảng 3 triệu người trong nhóm này.
Để thực hiện bảo trợ xã hội, quy định trong nghị định 136 năm 2013 mức chuẩn là 270.000 VND/tháng. Mức chuẩn này mới chỉ tương đương 38,5% mức chuẩn nghèo ở nông thôn, và 30% chuẩn nghèo ở thành thị. Theo đại biểu này, với việc duy trì mức chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội như vậy trong thời gian vừa qua, cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội đang tụt hậu so với xã hội và tụt hậu so với chính mình cách đây 6 năm.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai dẫn chứng, trong 6 năm qua, chúng ta điều chỉnh tiền lương và tiền trợ cấp cho các đối tượng khác, ví dụ như mức lương tối thiểu với người lao động từ năm 2013 đến năm 2019, khu vực 1 tăng 4 lần, khu vực 2 tăng 2 lần. Mức lương cơ sở cũng được điều chỉnh hàng năm và đến năm 2020 dự kiến tiếp tục điều chỉnh với mức 1.600.000 VND, so với năm 2013 là tăng 1,4 lần. Với người có công, mức hỗ trợ cũng được điều chỉnh, về cơ bản là hằng năm cao hơn mức điều chỉnh của lương cơ sở một chút.
"Tôi nhận thấy, chúng ta điều chỉnh tiền lương tăng gấp 2 lần so với CPI và cao hơn tăng trưởng GDP. Nhưng 6 năm qua, chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội lại chưa được điều chỉnh" - đại biểu Mai đánh giá. "Chỉ số CPI hàng năm của chúng ta tăng khoảng 3-3,5%. Như vậy sau 6 năm, nếu tính CPI thì ta đã trượt giá 20%, tức là mức 270.000VND cũng đã trượt giá 20%. Mà đặc biệt, những người ở trong diện bảo trợ xã hội, giỏ hàng hóa của họ trượt giá lại còn cao hơn trượt giá chung, như vậy ước tính giá trị của mức bảo trợ xã hội giảm 30% so với năm 2013".
Vì những lý do trên, đại biểu Mai kiến nghị, để thực hiện được quyền hiến định về bảo đảm an sinh xã hội của công dân, thực hiện phương châm "nước nổi thì lên", thực hiện các mục tiêu bảo đảm công bằng xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau, cần xem xét bố trí ngân sách ngay từ năm 2020 để điều chỉnh mức bảo trợ xã hội theo hướng ít nhất là bù đắp phần mất giá trị từ năm 2013 đến nay.