MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH: Đừng để người dân chịu hậu quả vì sự tắc trách của một bộ phận cán bộ!

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cho rằng những vụ việc như ô nhiễm nước, cháy nhà máy Rạng Đông, công ty Alibaba... đã bộc lộ công tác quản lý nhà nước của chúng ta còn nhiều thiếu sót, nhiều lỗ hỏng, còn buông lỏng và thậm chí là thiếu trách nhiệm, yếu kém.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) đồng tình rằng các kết quả đạt được cơ bản là đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng còn tồn tại những khó khăn, thách thức mà cử tri đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, các cấp ngành cần phải giải quyết quyết liệt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Thứ nhất, thực trạng hiện nay, việc thực thi pháp luật của chúng ta đang có vấn đề. Khi những ách tắc chậm trễ, những tồn tại khó khăn trong một tổ chức thực hiện được chỉ ra, thì nguyên nhân đầu tiên được nêu là hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay còn chồng chéo, bất cập. 

Đại biểu đánh giá: "Tôi cho rằng điều này không sai, nhưng chưa đủ, chưa phải là nguyên nhân chủ yếu, mà điều đáng lưu ý là những bất cập, những chồng chéo đó ở đâu, như thế nào thì chưa được các cơ quan chức năng quan tâm chỉ rõ. Nhất là việc phải điều chỉnh, sửa đổi nó như thế nào để tháo gỡ kịp thời thì chưa được quan tâm đúng mức.

Đáng lo ngại là, tinh thần kiến tạo, đổi mới, trách nhiệm của Chính phủ chưa được hưởng ứng, thực hiện một cách đầy đủ toàn diện trong toàn hệ thống. Vẫn còn những tổ chức cá nhân trong bộ máy công quyền thiếu tính tiến công, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, những việc có lợi thì làm, những việc không có lợi cho cá nhân, không an toàn thì né tránh, đùn đẩy, thấy cái mới thì ngại tiếp cận triển khai". 

Tình trạng các vụ việc được chuyển lên, chuyển xuống qua lại nhiều lần tại nhiều cơ quan nhưng vẫn chưa có lời giải, tồn tại đó không mới nhưng gần đây thì được phản ánh nhiều hơn. Thực trạng này đang là lực cản lớn cho sự phát triển. Cần nghiêm túc nhìn nhận để có giải pháp quan tâm khắc phục, tạo sự đồng bộ nhất quán từ trung ương đến cơ sở.

Đồng thời cần tăng cường việc kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của cơ sở, kịp thời rà soát điều chỉnh ngay những bất cập, chồng chéo của văn bản pháp luật. Đại biểu cho rằng, cần có cơ chế chính sách để khuyến khích các cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngay cả khi khi thực hiện nhiệm vụ, họ chưa thực hiện đúng những quy định hiện tại nhưng đem lại hiệu quả cao, được xã hội và nhân dân ghi nhận.

Thứ hai, đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng tình trạng nội dung công việc thuộc trách nhiệm, thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước nhưng chỉ khi được phát hiện, được phản ánh hoặc xảy ra sự cố, làm thiệt hại về người, về tài sản thì mới được quan tâm tuyên truyền, mới được để ý và tăng cường các biện pháp quản lý. 

Hay nói cách khác là tình trạng chúng ta phải chạy theo để xử lý, "mất bò mới lo làm chuồng" đang tái diễn trên nhiều lĩnh vực, nhất là quản lý xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, cổ phần hóa "đất vàng", ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng chúng ta chậm phát hiện, và khi phát hiện được thì cũng chậm có giải pháp xử lý, thiếu biện pháp hiệu quả để giải quyết kịp thời.

Điển hình như một số vụ việc gần đây, đại biểu nêu ví dụ như vụ vi phạm của công ty Alibaba đã kéo dài trong 3 năm, diễn ra trên 3 tỉnh thành với hơn 6.000 người có liên quan mới được xử lý. Vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông báo động về việc thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường được ví như quả bom nổ chậm ra khỏi khu vực dân cư chưa được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc cũng như việc xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang xảy ra nhiều nơi hiện nay.

Những vụ việc kể trên đã bộc lộ công tác quản lý nhà nước của chúng ta còn nhiều thiếu sót, nhiều lỗ hỏng, còn buông lỏng và thậm chí là thiếu trách nhiệm, yếu kém. Nhưng việc làm rõ để quy trách nhiệm, để xử lý, siết chặt kỷ cương, kỷ luật lại chưa được quan tâm đúng mức. Cử tri đề nghị chính phủ có biện pháp chấn chỉnh, làm việc kịp thời. Đừng để nhân dân chịu hậu quả vì sự tắc trách của một bộ phận cán bộ.

Vấn đề thứ ba mà cử tri băn khoăn là tại sao sau 40 năm thống nhất đất nước, qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một hệ thống tổ chức bộ máy phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. 

Ông Hiền cho rằng, chúng ta nhiều lần tiến hành thắt chặt tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của một số ngành, lĩnh vực. Bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn tình trạng thay đổi mô hình, tích hợp khoa học. Tách ra nhập vào liên tục nhưng chức năng không có sự thay đổi lớn. Việc tinh gọn biên chế còn mang tiếng bình quân, thiếu cụ thể. Nhiều lĩnh vực sau khi tách nhập cơ học lại quay về như cũ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền thay mặt cử tri đề nghị quốc hội, chính phủ quan tâm thực hiện một cách thật khoa học, tập trung xử lý tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên