ĐBQH: Tân Tổng Thanh tra CP phải chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ngay trong chính cơ quan
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay, Bộ Chính trị đã ban hành quy định chung về tiêu chí, tiêu chuẩn đối với các cán bộ đảm nhiệm vị trí, vai trò lãnh đạo.
- 25-10-2017Hôm nay, Quốc hội sẽ miễn nhiệm và bổ nhiệm 2 “tư lệnh” ngành
- 23-08-2017Giám đốc BHXH quận 3: Không có việc chiếm dụng lương hưu của nguyên Phó Tổng Thanh tra CP
Chiều nay, Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa theo tờ trình của Thủ tướng.
Tiếp đó, Thủ tướng sẽ trình nhân sự mới để Quốc hội phê chuẩn thay thế hai chức danh này.
Đối với Tổng Thanh tra CP sẽ được giới thiệu, phê chuẩn tới đây, ông Vân cho rằng, mong muốn lớn nhất của nhân dân, ĐBQH là người đứng đầu ngành phải có "trí minh, tâm sáng".
"Người đó phải "phụng công thủ pháp, chí công vô tư" tức là phải có tâm, trí. Trí là có năng lực, nhận biết đúng sai. Muốn nhận biết đúng sai phải tinh thông đường lối chủ trương, pháp luật.
Ngoài ra, còn cái tâm là phải vì nước vì dân. Phải gạt bỏ những lợi ích, quan hệ, công tâm trong công việc để xử lý những tình huống, vi phạm ở từng mức độ, cấp độ cho đúng pháp luật", ông Vân nêu.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng nhấn mạnh, hiện nay, công cuộc phòng chống tham nhũng do Đảng, Nhà nước phát động và Tổng Bí thư trực tiếp là Trưởng ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng thì đòi hỏi với tân Tổng thanh tra phải cao hơn.
"Cao hơn ở chỗ, phải phối hợp cùng các cơ quan của Đảng đưa những vụ việc tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Nếu không làm rõ, xử nghiêm các vụ việc mà nhân dân quan tâm thì rõ ràng không đáp ứng được yêu cầu, vị trí, đòi hỏi, kỳ vọng", ông Vân nói.
Ông Phan Văn Sáu. Ảnh: Báo Thanh tra.
Để góp phần đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, theo ông, tân Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ phải vượt qua những khó khăn, thách thức lớn nào?
ĐB Lê Thanh Vân: Vai trò của Thanh tra Chính phủ là kiểm soát nhánh hành pháp. Thực tế, trong hoạt động hành pháp rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, tiêu cực, lạm quyền, trục lợi, cho nên kiểm soát tốt được nội bộ, bên trong cơ quan hành pháp, hệ thống hành chính là vấn đề vô cùng hệ trọng.
Tổng Thanh tra phải kiểm soát tốt tình hình chấp hành pháp luật của hệ thống và dựa trên quyền được giao xây dựng kế hoạch, chương trình cả nhiệm kỳ, lựa chọn vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc mà dư luận đặt ra để tiến hành thanh tra, xử lý.
Đồng thời, phải có thanh tra đột xuất khi dư luận nêu ý kiến về một cá nhân, đơn vị cụ thể và cần tập trung lực lượng, phúc đáp ngay vấn đề đặt ra.
Ngoài ra, cũng phải chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ngay chính trong cơ quan thanh tra. Nếu người làm công tác thanh tra lạm dụng quyền hạn pháp luật trao cho, bẻ cong pháp luật thì người đứng đầu cơ quan thanh tra phải chịu trách nhiệm.
Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ nên Thanh tra CP phải đi theo tiến độ giải quyết các vụ án lớn mà Ban chỉ đạo TƯ về PCTN chỉ đạo các cơ quan đã, đang làm.
Thanh tra Chính phủ thông qua hoạt động để củng cố thêm sức mạnh của Chính phủ, tức là cơ thể của cơ quan, hệ thống hành chính có khỏe không chính là "thăm bệnh, hỏi bệnh, bốc thuốc" của Thanh tra CP.
Trong gần 2 năm qua, những công việc của Thanh tra CP thực hiện, theo ông đã đáp ứng kỳ vọng của Quốc hội, người dân?
ĐB Lê Thanh Vân: Hoạt động của Thanh tra Chính phủ trong thời gian qua bắt đầu có khởi sắc nhưng so với Ủy ban Kiểm tra TƯ đang còn rất chậm, thể hiện qua nhiều vụ việc, điển hình nhất là vụ thanh tra "biệt phủ" Yên Bái.
Trong vụ việc ở Yên Bái, dư luận đòi hỏi cơ quan thanh tra phải vào cuộc nhanh, chính xác, kịp thời và chính trưởng đoàn thanh tra đã tuyên bố với vụ việc như vậy sẽ công bố kết luận chính thức ngay nhưng lại công bố chậm. Như thế có thể đặt ra nhiều dấu hỏi, nghi vấn.
Trí Thức Trẻ