MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH: Trao quyền giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước là cơi nới thẩm quyền

Trong phiên thảo luận tại Hội trường xung quanh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận về việc cho phép Kiểm toán Nhà nước quyền giám định tư pháp.

Điều 41a trong Dự thảo Luật Giám định tư pháp (GĐTP) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện GĐTP khi được trưng cầu và công nhận, đăng tải danh sách người GĐTP theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp nêu rõ, đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp cho rằng, việc bổ sung quy định nêu trên là không cần thiết. Theo quy định của Luật GĐTP, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho hoạt động GĐTP trong lĩnh vực tài chính.

"Hơn nữa, nguồn nhân lực hiện nay đã đáp ứng tốt nhu cầu GĐTP trong lĩnh vực tài chính. Nếu giao Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động GĐTP thì phạm vi thực hiện giám định rất hẹp, đồng thời, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này. Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản đề nghị không bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động GĐTP", báo cáo nêu rõ.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đoàn Bình Dương cho rằng bổ sung thêm kiểm toán nhà nước sẽ dẫn đến sự trùng lặp trong chức năng nhiệm vụ, không tuân thủ nguyên tắc chức năng của các tổ chức. ĐB Hồng nhận định: "Một việc chỉ một cơ quan làm thôi, xu hướng cơi nới thẩm quyền như thế là không đúng".

"Nếu vì khó khăn thực tiễn mà cơi nới về thẩm quyền sẽ không ổn về tổ chức bộ máy. Hơn nữa, vừa qua khi sửa Luật Kiểm toán chúng ta cũng không đề cập đến nội dung này", đại biểu Hồng nhận định.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) nhấn mạnh Kiểm toán Nhà nước là cơ quan của Quốc hội, thực hiện chức năng giám sát. "Nếu Kiểm toán Nhà nước phát hiện án tham nhũng chuyển hồ sơ cơ quan điều tra sau đó, CQĐT khởi tố vụ án. Đến lúc này lại giao lại cơ quan kiểm toán thì kết luận có đảm bảo khách quan không?", ông Bộ đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị bổ sung Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định tư pháp vì đây là công việc khó, phức tạp, động chạm nhằm xác định hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm nên có tâm lý né tránh đùn đẩy giữa các cơ quan có chức năng giám định cũng như có sự né tránh đùn đẩy của bản thân những người tham gia giám định.

"Từ năm 2013-2018 trong lĩnh vực tài chính có 241 vụ việc trưng cầu giám định nhưng vẫn chậm, đùn đẩy. Nếu đề nghị Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định trong lĩnh vực tư pháp, tài chính sẽ có thêm kênh để lựa chọn", ông Học lập luận.

"Nhiều đại biểu cho rằng kiểm toán độc lập nên nếu trưng cầu sẽ ảnh hưởng đến chức năng này. Tôi cho rằng giữa hoạt động kiểm toán và giám định tư pháp có điểm chung, đó là đòi hỏi tính độc lập khách quan, tuân thủ pháp luật. Tôi ủng hộ bổ sung kiểm toán Nhà nước tham gia giám định tư pháp", ông Học nói.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên