MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBSCL hụt hơi với sản phẩm chủ lực

Trùng lắp, chạy theo sản lượng khiến nhiều sản phẩm chủ lực của các tỉnh, thành ở ĐBSCL sau một thời gian triển khai sản xuất không tiêu thụ được, nông dân lâm cảnh nợ nần.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa, vựa trái cây và vựa thủy sản lớn của cả nước. Thế nhưng, nhiều năm qua, các địa phương trong khu vực cứ luôn "đau đầu" với tình trạng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh nhà luôn xáo trộn.

Đổ nợ vì mía, cá

Mía là một trong những cây trồng được kỳ vọng mang lại thu nhập tốt cho nông dân ở một số địa phương của tỉnh Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng và Hậu Giang. Tuy vậy, giá mía đường luôn giảm khiến người trồng mía lao đao. Nguyên nhân chính do đường lậu tràn vào nội địa.

Ông Nguyễn Thế Tự - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - cho biết Phụng Hiệp là địa phương trồng mía nhiều nhất của tỉnh với khoảng 9.000 ha nhưng năm nay giảm chỉ còn 6.700 ha. Những năm qua, giá mía xuống thấp khiến nông dân lỗ nặng nên họ bỏ mía chuyển sang trồng chanh không hạt, cây tràm...

Ngoài cây mía, tại Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ, cá rô đầu vuông có thời điểm nhiều hộ đua nhau thả nuôi và được khuyến khích đây là sản phẩm chủ lực của địa phương. Khoảng năm 2010, từ chợ đến bàn nhậu, đâu đâu cũng bắt gặp các sản phẩm được chế biến từ cá rô đầu vuông. Giá cá có khi lên tới gần 40.000 đồng/kg nhưng cũng không đủ cung cấp cho thương lái.

Sau một thời gian ồ ạt thả nuôi, cá rớt giá thê thảm. Đến nay thì hầu như không ai thấy cá rô đầu vuông xuất hiện trên thị trường. Chị Trần Thị Hân (ngụ huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), một trong những người từng thả nuôi diện tích lớn cá rô đầu vuông, nhớ lại: "Cách nay gần 10 năm, có thời điểm gia đình tôi thu hoạch cả 100 tấn/năm. Nhưng sau đó, cá bị bí đầu ra nên rớt giá khiến gia đình tôi lâm nợ, phải chuyển sang nuôi loại cá khác".

Chủ một cơ sở cung cấp cá giống ở quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) nhớ lại: "Thấy cá rô đầu vuông lạ mắt, trọng lượng nặng gấp 4-5 lần so với cá rô đồng, nuôi chỉ khoảng trên dưới 4 tháng là thu hoạch nên có thời điểm nhiều nông dân bỏ cá tra (do nuôi đến 8 tháng mới thu hoạch) để chuyển sang nuôi cá rô đầu vuông. Do nuôi quá nhiều nên loại cá này mau chóng bị đào thải là quy luật tất yếu".

ĐBSCL hụt hơi với sản phẩm chủ lực - Ảnh 1.

Cá rô đầu vuông từng một thời là sản phẩm chủ lực của nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRINH

Vứt sản phẩm chủ lực cho... cá ăn

Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, nhìn nhận trước đây tỉnh có 6 ngành hàng chủ lực là: tôm, cua, khô cá bổi, chuối, lúa chất lượng cao và gỗ. Tuy vậy, qua rà soát đã loại khô cá bổi và chuối ra khỏi ngành hàng chủ lực của tỉnh vì 2 mặt hàng trên không đủ khả năng cạnh tranh và thiếu tính ổn định.

"Khi chuối hút hàng thì doanh nghiệp thu mua khoảng 7.000 đồng/kg. Song khi thị trường không có nhu cầu thì chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg. Đối với khô cá bổi, do địa phương nuôi theo hình thức truyền thống nên sản lượng ít, không đủ sức cạnh tranh với các tỉnh bạn" - ông Tranh phân tích.

Không chỉ Cà Mau, người dân ở nhiều tỉnh, thành khác cũng sống dở chết dở vì cây chuối. Khi tăng giá thì thương lái "truy lùng" đến tận vườn mua lúc trái chưa già để về ép chín bằng khí đá. Đến khi dội chợ thì nhà vườn chỉ biết vứt chuối cho cá hoặc gà, vịt ăn.

Cùng chung số phận với cây chuối, mít Thái gần đây cũng được xem là cây trồng chủ lực của một số huyện trong tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ. Thế nhưng, khi "sốt" thì trái mít có khi được giá cả nửa triệu (50.000 đồng/kg), lúc rớt giá thì chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg nhưng cũng chẳng thấy bóng dáng thương lái đâu.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó Trưởng Khoa Phát triển nông thôn Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng nói về sản phẩm chủ lực của vùng thì cần xác định 2 loại. Thứ nhất, nếu chọn sản phẩm chủ lực cho từng địa phương ở ĐBSCL thì cần chọn sản phẩm đặc thù của từng tỉnh, chỗ này có nhưng chỗ khác không có. Thứ hai là xác định sản phẩm chủ lực chung cho ĐBSCL chứ không phải cho từng địa phương. Sản phẩm này tương đối phổ biến, nhiều tỉnh có thể trồng được. Đối với loại sản phẩm đặc thù chung của vùng thì các tỉnh cần ngồi lại với nhau để bàn vùng nào thích hợp trồng nhằm thống nhất quy mô sản xuất. Đồng thời, các tỉnh có chung sản phẩm cần liên kết với nhau và cần chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

Phải có tính cạnh tranh vượt trội

Theo TS Trần Hữu Hiệp, cách đây 15 năm, có địa phương từng chọn giấy vệ sinh, mì tôm làm "sản phẩm chủ lực". Nghe buồn cười nhưng là chuyện có thật. Nếu không xác định được tiêu chí cho những sản phẩm chủ lực thì dễ tùy tiện, cảm tính, đầu tư thất bại. Sản phẩm chủ lực phải có ưu thế cạnh tranh vượt trội, quy mô đủ lớn, có tính đồng nhất và sức lan tỏa, chi phối thị trường nhất định. Xác định sản phẩm chủ lực phải kèm theo hoạch định các cơ chế, chính sách với hệ thống giải pháp đồng bộ từ quy hoạch - đầu tư, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, kết nối thị trường, phát triển nguồn nhân lực để phát huy lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của chúng.


Theo Công Tuấn - Ca Linh - Vân Du

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên