MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề cử ông Nguyễn Xuân Phúc để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước

03-04-2021 - 08:33 AM | Xã hội

Ngày 2/4, sau khi miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề cử nhân sự để Quốc hội bầu tân Chủ tịch nước.

Sáng 2/4, với 446/452 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Nghị quyết này có hiệu lực sau khi Quốc hội bầu được Thủ tướng mới.

 Đề cử ông Nguyễn Xuân Phúc để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước  - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội tặng hoa nguyên Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Như Ý

Cũng trong sáng 2/4, Ủy ban Thường vụ đã trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng. Chiều 2/4, với 438/440 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nhiệm kỳ 2016- 2021 đối với ông Nguyễn Phú Trọng. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Chủ tịch nước.

"Mặc dù nhiệm vụ rất nặng nề nhưng với trách nhiệm cao cả trước Đảng, Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hết tâm sức của mình cho sự phát triển của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Sau khi thông qua Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu, hơn 2 năm qua, mặc dù nhiệm vụ rất nặng nề nhưng với trách nhiệm cao cả trước Đảng, Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hết tâm sức của mình cho sự phát triển của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước. Thay mặt Quốc hội, ông Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn và kính chúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn mạnh khỏe, cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân, đưa đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Chiều 2/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng trình nhân sự để Quốc hội bầu tân Chủ tịch nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ cương vị này. Tại buổi họp báo trước kỳ họp 11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là “lần đầu tiên đương kim Thủ tướng được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước”.

"Tôi đánh giá cao sự cống hiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, một thủ tướng lăn xả vì công việc. Chúng ta không thấy sự nghỉ ngơi nào của người đứng đầu cùng nhiều thành viên Chính phủ với lịch trình hoạt động dày đặc. Thủ tướng luôn thể hiện được khát vọng, quyết tâm mạnh mẽ, luôn là một "thủ tướng hành động", nói đi đôi với làm, đảm bảo tính minh bạch".

ĐBQH Trần Hoàng Ngân

Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 67 tuổi, quê Quảng Nam. Ông là một trong những nhân sự thuộc “trường hợp đặc biệt” tái đắc cử Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII bầu vào Bộ Chính trị. Trên cương vị Thủ tướng, trong nhiệm kỳ qua, ông Nguyễn Xuân Phúc và bộ máy Chính phủ đã để lại nhiều dấu ấn, với rất nhiều thành tích được ghi nhận. Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, trong suốt nhiệm kỳ vừa qua “con tàu Việt Nam” đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là đại dịch COVID-19.

"Nhiệm kỳ qua, Chính phủ phải đối mặt với nhiều thử thách, đặc biệt trong 2 năm cuối nhiệm kỳ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh này, Thủ tướng đã thể hiện tinh thần quyết đoán để Chính phủ đưa ra những giải pháp, góp phần đạt được những mục tiêu tưởng chừng như không thể. Thủ tướng Chính phủ để lại dấu ấn trong việc điều hành kinh tế đúng hướng, khắc phục nhiều tồn đọng từ nhiệm kỳ trước, đặc biệt là vấn đề nợ công; xây dựng một chính phủ kiến tạo để cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục phiền hà".

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, ngày 5/4, Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín để bầu tân Chủ tịch nước và tân Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ trước Quốc hội.


Theo Luân Dũng - Văn Kiên

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên