MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để cứu lấy tiếng đàn vô giá, một thành phố Ý phải tuyệt đối im lặng trong 5 tuần vì lý do không tưởng

26-10-2020 - 11:19 AM | Sống

Dự án bảo tồn âm thanh phi thường của Cremona sẽ cho ta thấy việc này công phu đến thế nào.

Florencia Rastelli vừa lỡ tay làm một việc không hay.

Là một chuyên gia pha chế, cô chưa bao giờ đánh đổ một tách cà phê. Thế nhưng, vào thứ 2 tuần trước, khi lau dọn quầy bar tại Chiave di Bacco, quán cafe nơi cô làm việc, Florencia đã vô ý khiến cái ly thủy tinh rơi vỡ tan trên sàn nhà.

Tất cả khách hàng có mặt khi đó như chết lặng. Thậm chí, một cảnh sát đã có mặt và nhắc nhở Florencia hãy thận trọng hơn.

Thật kỳ lạ đúng không? Điều gì khiến cảnh sát xứ Cremona phải nhắc nhở một nhân viên pha chế vì làm vỡ ly?

Người dân Cremona rất nhạy cảm với tiếng ồn. Ngay cả trung tâm thành phố vốn nhộn nhịp với vô số phương tiện giao thông cũng bị chuyển hướng. Trong cuộc họp báo gần đây, Gianluca Galimberti, thị trưởng thành phố, đã kêu gọi người dân Cremona tránh mọi tiếng ồn bất ngờ và không cần thiết.

Trên thực tế, Cremona được coi là xưởng sản xuất nhạc cụ tốt nhất thế giới, nổi tiếng với Antonio Stradivari, nghệ nhân đã tạo ra những cây đàn violin và cello tốt nhất mọi thời đại từ thế kỷ 17 - 18. Cremona đang thực hiện một dự án đầy tham vọng: Thu lại bản ghi kỹ thuật số từ các nhạc cụ của Stradivari để lưu truyền hậu thế. Và đó là lý do vì sao, cả thành phố cần phải giữ im lặng.

Để cứu lấy tiếng đàn vô giá, một thành phố Ý phải tuyệt đối im lặng trong 5 tuần vì lý do không tưởng - Ảnh 1.

Đàn violin “Vesuvius”, được tạo ra bởi Antonio Stradivari vào năm 1727. Nó được coi là một trong những cây đàn violin chuẩn và tốt nhất thế giới

Antonio Stradivari - nghệ nhân tạo nên những vật báu của làng âm nhạc cổ điển

Để cứu lấy tiếng đàn vô giá, một thành phố Ý phải tuyệt đối im lặng trong 5 tuần vì lý do không tưởng - Ảnh 2.

Antonio Stradivari (1644 - 1737)

Một cây violin, viola hoặc cello của Stradivari đại diện cho đỉnh cao của kỹ thuật âm thanh và không một ai hay thứ gì có thể sao chép các quãng âm độc đáo của chúng.

Tất cả những nhạc cụ mà Stradivari tạo ra được gọi là Stradivarius (tên Latinh hóa của ông). Đến khi qua đời vào năm 1737, ông đã tạo ra hơn 1100 nhạc cụ, 650 trong số này vẫn được lưu giữ cho tới ngày nay. Trong giới nghệ thuật thì Stradivarius được coi là chuẩn mực cao nhất trong nhạc cụ có dây.

Fausto Cacciatori, người phụ trách của Cremona Museo del Violino, bảo tàng của các nhạc cụ vô giá hỗ trợ cho dự án, nói rằng mỗi cây đàn của Stradivari có cái "thần" của riêng mình. Nhưng, ông nói thêm, âm thanh đặc biệt của chúng chắc chắn sẽ thay đổi, thậm chí có thể bị mất đi chỉ trong vài thập kỷ tới.

"Đó là một phần trong vòng đời của nhạc cụ," ông Cacciatori nói. "Chúng tôi bảo tồn và duy tu chúng, tuy nhiên, khi đến một độ tuổi nhất định, chúng quá mỏng manh để chơi nhạc và chỉ có thể đem ra trưng bày."

Để cứu lấy tiếng đàn vô giá, một thành phố Ý phải tuyệt đối im lặng trong 5 tuần vì lý do không tưởng - Ảnh 3.

Cremona Museo del Violino - bảo tàng lưu giữ và trưng bày những cây đàn vô giá của Stradivari

"Điều này sẽ giúp con cháu của chúng ta biết thế nào là tiếng đàn Stradivari đích thực," Leonardo Tedeschi, một cựu D.J, người đưa ra ý tưởng của dự án cho hay. "Chúng tôi sẽ khiến những nhạc cụ tốt nhất từng được tạo ra trở nên bất tử."

Từ tháng 1, 4 nhạc sĩ được tuyển chọn sẽ liên tục dùng 2 cây đàn violin, 1 cây viola và 1 cây cello để chơi những thanh âm và bản nhạc huyền thoại với tất cả tài năng. Bao quanh họ là 32 micro siêu nhạy để đảm bảo thu được âm thanh tinh túy nhất.

Thomas Koritke, kỹ sư âm thanh đến từ Hamburg, Đức, người đứng đầu dự án cho biết, đó là một thách thức về thể chất và tinh thần đối với họ. Họ có thể chơi hàng trăm ngàn nốt nhạc riêng lẻ và chuyển tiếp trong 8 giờ một ngày, 6 ngày một tuần, trong hơn 1 tháng.

Tổ chức dự án cũng mất nhiều thời gian, ông Koritke nói thêm. Ông đã mất vài năm để thuyết phục bảo tàng cho phép sử dụng các nhạc cụ có dây đã 500 năm tuổi. Sau đó, họ phải tìm những nhạc sĩ hàng đầu, những người có hiểu biết sâu rộng và trân quý đàn cổ. Sau đó, âm thanh của khán phòng và âm thanh của các nhạc cụ, cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Để cứu lấy tiếng đàn vô giá, một thành phố Ý phải tuyệt đối im lặng trong 5 tuần vì lý do không tưởng - Ảnh 4.

"Họ có thể chơi hàng trăm ngàn nốt nhạc riêng lẻ và chuyển tiếp trong 8 giờ một ngày, 6 ngày một tuần, trong hơn 1 tháng"

Năm 2017, các kỹ sư nghĩ rằng dự án của họ cuối cùng đã sẵn sàng để tiến hành. Nhưng kiểm tra âm thanh cho thấy một lỗ hổng lớn.

Ông Tedeschi cho biết, đường phố xung quanh khán phòng đều được làm bằng đá cuội, một cơn ác mộng thính giác đối với âm nhạc cổ điển. Âm thanh của động cơ xe hơi, hoặc một người phụ nữ đi giày cao gót, tạo ra các rung động ngầm dưới lòng đất và vang vọng trong micro, làm cho bản thu trở nên vô giá trị. Theo Tedeschi thì, chỉ vậy thôi cũng khiến dự án này đổ sông đổ bể.

May mắn thay, thị trưởng thành phố Cremona cũng là chủ tịch của Quỹ Stradivarius. Ông hiểu giá trị của những âm thanh vô giá này và đồng ý đóng cửa bảo tàng trong 5 tuần, kêu gọi người dân hãy "khẽ khàng" nhất có thể.

"Chúng tôi là thành phố duy nhất trên thế giới bảo tồn cả nhạc cụ và âm thanh của chúng," ông Galimberti nói. "Đây là một dự án phi thường nhìn về tương lai và tôi chắc chắn người dân Cremona sẽ hiểu rằng, việc phong tỏa khu vực này là không thể tránh khỏi."

Để cứu lấy tiếng đàn vô giá, một thành phố Ý phải tuyệt đối im lặng trong 5 tuần vì lý do không tưởng - Ảnh 5.

Thậm chí, hầu hết bóng đèn chiếu sáng trong khán phòng 464 chỗ này đều bị tháo ra để tránh mọi tạp âm

Vào ngày 7/1, cảnh sát Cremona bắt đầu phong tỏa đường phố, chuyển hướng giao thông ra khỏi khu vực trung tâm. Hệ thống thông gió, thang máy của bảo tàng bị tắt, bóng đèn trong phòng hòa nhạc cũng được tháo ra để tránh tạp âm.

Ông Cacciatori đeo một đôi găng tay nhung, lấy ra chiếc viola 1615 Amati từ hộp trưng bày. Ông quan sát và kiểm tra nó kỹ lưỡng trước khi được nhân viên bảo vệ hộ tống đến khán phòng.

Hễ 1 nghệ sĩ chơi đàn, 3 người còn lại sẽ lánh vào phòng cách âm với đầy đủ thiết bị để quan sát và thẩm định âm thanh.

Để cứu lấy tiếng đàn vô giá, một thành phố Ý phải tuyệt đối im lặng trong 5 tuần vì lý do không tưởng - Ảnh 6.

Ông Tedeschi cười toe toét trong sự hài lòng khi những nốt nhạc đầu tiên vang lên.

Tuy nhiên, bất ngờ ông Koritke nhắc mọi người dừng lại, nghệ sĩ đang kéo đàn cũng giữ nguyên tư thế, đóng băng như tượng.

Các kỹ sư ngay lập tức tua lại bản ghi âm và phát lại cho mọi người cùng nghe.

Ông Koritke đã phát hiện ra vấn đề, ông hỏi rất to và rõ ràng:

"Ai vừa đánh rơi ly thủy tinh xuống sàn?"

Tham khảo NYT

Theo Lan Hương

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên