Để Dung Quất là trung tâm lọc hoá dầu quốc gia
Thủ tục hành chính đang làm chậm bước phát triển của Khu kinh tế Dung Quất...
- 18-09-2017Lọc dầu Dung Quất chồng chất khó khăn
- 09-09-2017PVN xin Chính phủ bảo lãnh vay vốn để mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất
- 08-09-2017Ba nhân tố đem lại lợi nhuận bền vững cho Lọc dầu Dung Quất
“Chúng tôi xác định, từ nay đến năm 2020 phát triển công nghiệp là nhiệm vụ đột phá và kéo dài. Nếu không phát triển công nghiệp thì Quảng Ngãi mãi là tỉnh nghèo...”, ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định.
Ông Minh nhấn mạnh, công nghiệp của Quảng Ngãi chỉ là tập trung vào Khu kinh tế Dung Quất, hiện nay, do ngân sách địa phương hạn hẹp nên đang chuyển đổi phương thức từ dùng ngân sách đầu tư hạ tầng Khu kinh tế, Khu công nghiệp sang hình thức cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và tự cho thuê.
Thủ tục hành chính làm chậm bước Dung Quất
Theo ông Minh, hiện các lĩnh vực khó thu hút nhà đầu tư nhất là nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, thuỷ sản. Khó là do một số cơ chế chính sách như Nghị định 210 về nông nghiệp vướng ở hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng và thanh toán dần. Nhà đầu tư vào đây không có đất sạch nên họ không muốn vào. Nếu bỏ ra chi phí giải phóng mặt bằng lớn sẽ tăng chi phí đầu tư.
Ông Minh kiến nghị, Nhà nước thu hút đầu tư ít hiệu quả hơn chính các nhà đầu tư đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, Khu kinh tế rồi tự kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp. Ví như Khu công nghiệp VSIP ở Dũng Quất đang thu hút hiệu quả. Tuy nhiên, chính sách thuế, ví dụ như nhà đầu tư bỏ vốn vào hạ tầng kỹ thuật đã khó, nhưng lại không được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp so với đầu tư vào vùng nhiều thuận lợi. Nên chăng có chính sách tương ứng với Khu kinh tế tại vùng khó khăn như miền Trung.
Từ khi thành lập đến nay, Khu kinh tế Dung Quất đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng là 4.678 tỷ đồng và 3.850.000 USD. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở việc quyền lực của Ban quản lý Khu kinh tế Dũng Quất nhỏ quá, giao cho quản lý khu vực này nhưng tất cả đều phải xin ý kiến các sở, ngành. Có đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc sang nhiều lần nhưng không giải quyết được thủ tục hành chính cho họ nên nản chí... Ngay như giá đất, khi nhà đầu tư tiếp cận Ban quản lý phải trình lên Sở Tài chính, Sở lại trình lên văn phòng UBND, rồi văn phòng lại phải xin ý kiến Hội đồng Nhân dân.
Ông Đoàn Văn Hà, Giám đốc đối ngoại Công ty Doosan (Hàn Quốc) cho biết, chính Doosan đã trực tiếp đưa nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc sang nhưng quá nhiều chính sách, thủ tục hành chính nên các nhà đầu tư không vào.
Ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty Hoà Phát Dung Quất chỉ rõ, cơ bản là khâu giải phóng mặt bằng quá nhiều thủ tục hành chính, đi qua quá nhiều khâu và mỗi một khâu bị chậm lại một chút. Nếu muốn nộp tiền thuê đất để làm thủ tục ngân hàng nhưng quá nhiều thủ tục, tiền có nhưng không biết nộp thế nào để xong việc. Chậm như vậy kéo dài tiến độ dự án.
Giải phóng mặt bằng có nhiều chính sách không đồng nhất, người dân không chịu nên đang chờ đợi tỉnh có chính sách để nhanh chóng xong. Kể cả nhiều trường hợp doanh nghiệp xin ứng trước để làm nhưng cơ chế không cho phép hoặc không có cơ chế để trả lại tiền ứng trước cho doanh nghiệp.
Tập trung vào công nghiệp lọc hoá dầu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nhiều lần nhấn mạnh việc Quảng Ngãi sẽ tập trung mạnh cho phát triển công nghiệp để thoát khỏi vũng nghèo. Do đó Quảng Ngãi đang cần kết nối hạ tầng giao thông như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định đã có đường ven biển còn Quảng Ngãi kẹt giữa chưa có dù đã đầu tư giai đoạn đầu. Chính phủ cần hỗ trợ ngân sách để Quảng Ngãi có hạ tầng kết nối giao thông tốt.
Ngoài ra cần đầu tư mạnh cảng hàng không Chu Lai bằng việc kêu gọi nhà đầu tư có năng lực thực sự vì có tới 80% người dân sử dụng sân bay Chu Lai là người Quảng Ngãi.
TS. Trần Du Lịch lưu ý, sân bay Chu Lai sẽ trở thành sân bay của vùng, không của riêng tỉnh nào. Về Ban quản lý Khu kinh tế, nên đóng vai trò dịch vụ hành chính công một cửa cho toàn bộ Khu kinh tế, do đó Quảng Ngãi nên xem mô hình của Quảng Nam.
Nhà đầu tư nên đến một chỗ và 15 ngày có giấy phép và triển khai dự án. Nếu để nhà đầu tư đến Quảng Ngãi phải chạy đi chạy lại nhiều cửa như hiện nay sẽ không ai đến.
Về phát triển hạ tầng Khu kinh tế, Khu công nghiệp Quảng Ngãi có thể dùng cơ chế đối tác công tư (PPP). Quảng Ngãi nên thử làm theo cách đó vì đã có nghị định về PPP, làm như vậy tỉnh sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí hạ tầng.
TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách công nghiệp nhấn mạnh, cần nhìn lại xem thời gian vừa rồi mục tiêu phát triển Khu kinh tế của Dung Quất là gì và đã được gì. Dung Quất nên xem nếu phát triển thành đô thị du lịch có còn khó khăn không? Khó khăn là gì mà mục tiêu tới có phát triển tiếp hay không? Có phát riển đồng đều tất cả các phân khu chức năng như thế này không hay trọng tâm vào một lĩnh vực là công nghiệp hỗ trợ cho lọc - hoá dầu?
Ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương - Ban Kinh tế Trung ương bổ sung thêm, thực ra cơ chế PPP trong hạ tầng Khu kinh tế, Khu công nghiệp chưa có nên có thể đề xuất xây dựng Nghị định riêng về PPP cho các Khu kinh tế, Khu công nghiệp.
Riêng đối với Dung Quất, theo ông Bình nên quy hoạch thành khu duy nhất của quốc gia về lọc hoá dầu để cảng, logictics, hạ tầng, nên tập trung vào công nghiệp lọc hoá dầu. Ông Bình nhấn mạnh: “Hiện nay cái gì cũng gọi vào, cái gì cũng cho vào, mỗi thứ một tí quá manh mún, không hình thành được một Khu kinh tế chuyên biệt, chuyên môn sâu. Nhà đầu tư đến nhìn Khu kinh tế, Khu công nghiệp bị băm nát chắc chắn là sợ không dám vào”.
Theo ông Ngô Hải Trường, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khai thác cảng biển. Định hướng sẽ xây dựng Dung Quất thành trung tâm lọc hoá dầu quốc gia nên cần có cơ chế nhằm thu hút những nhà đầu tư ngành nghề liên quan.
Dung Quất có lợi thế cảng biển nước sâu, nhưng có bất cập là nhiều bến cảng nhưng chưa có tuyến container nên các doanh nghiệp thấy bất cập trong vận chuyển hàng hoá phải đi Đà Nẵng, Tp.HCM...
"Chúng tôi xúc tiến mở tuyến hàng hoá container nhưng do hàng hoá chưa nhiều nên doanh nghiệp không muốn đầu tư. Do đó Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khai thác cảng biển tại đây”, ông Trường nói.
Vneconomy