Để lãi suất vượt trần, sếp ngân hàng sẽ bị cách chức
Mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng và cách chức quản trị, điều hành, kiểm soát của sếp ngân hàng nếu vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn...
- 20-11-2019Trong 3 ngày đã có 7 ngân hàng nhập cuộc giảm lãi suất cho vay và ưu đãi tín dụng
- 19-11-2019Thêm BIDV giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay
- 19-11-2019Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư không nên mua TPDN chỉ vì lãi suất cao
Đây là một trong những quy định tại Nghị định 88 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa được ban hành, có hiệu lực từ 31-12-2019.
Tại quy định về huy động vốn và phí cung ứng dịch vụ, tổ chức tín dụng sẽ bị phạt tiền từ 20 – 150 triệu đồng với các hành vi vi phạm quy định về nhận tiền gửi như không công bố hoặc không niêm yết công khai nội dung về nhận tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá theo quy định; nhận tiền gửi, phát hành giấy tờ có giá không đúng quy định...
Tổ chức tín dụng sẽ bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng khi vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn, phí cung ứng dịch vụ, kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh. Các hành vi vi phạm cụ thể như không niêm yết công khai lãi suất huy động vốn, phí dịch vụ hoặc niêm yết lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; thu các loại phí dịch vụ không đúng quy định...
Ngân hàng vượt trần lãi suất sẽ bị phạt nặng. Ảnh minh hoạ: Linh Anh
Đáng lưu ý, biện pháp khắc phục hậu quả được đưa ra trong Nghị định 88 là buộc nộp vào ngân sách số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm mức phí dịch vụ. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ đề nghị hoặc yêu cầu cấp thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 1-3 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm hoặc chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm.
Riêng với các cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu đơn vị này cách chức và thực hiện biện pháp xử lý khác theo quy định.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang áp trần lãi suất huy động đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng 0,8%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô 5,5%/năm.
Riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do các tổ chức tín dụng tự quyết định dựa trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Hồi tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn cảnh báo về việc lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng. Theo cơ quan này, thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng các tổ chức tín dụng, chi ngánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VNĐ nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn; triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao.
Động thái tăng lãi suất này, theo Ngân hàng Nhà nước làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng…
Người lao động