Đề nghị sửa luật liên quan đến CPTPP
Ngày 10-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
- 10-12-2018CPTPP sẽ không tác động đột ngột tới thu ngân sách của Việt Nam
- 29-11-2018Tham gia CPTPP, doanh nghiệp không thể “đơn thương độc mã”
- 28-11-2018Khi nào doanh nghiệp Việt sẽ hưởng lợi thuế quan từ CPTPP?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết có 3 dự án luật cần được bổ sung vào chương trình gồm: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức.
Thẩm tra về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Pháp luật thống nhất với Chính phủ và Ủy ban Kinh tế về việc cần thiết khẩn trương nghiên cứu xây dựng Luật PPP. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật nhận thấy Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư mới có hiệu lực từ ngày 19-6, có nhiều điểm sửa đổi quan trọng. Trong khi đó, chương trình năm 2019 đã khá nặng với nhiều dự án luật cần được xem xét, thông qua theo yêu cầu của trung ương. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của chương trình và có thêm thời gian tiếp tục đánh giá, kiểm nghiệm các chính sách mới, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bổ sung dự án Luật PPP vào chương trình năm 2019 nhưng trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhìn nhận Luật PPP khá phức tạp bởi không chỉ xử lý vấn đề về: Hình thức đầu tư kinh doanh - xây dựng - chuyển giao (BOT), hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) mà còn có câu chuyện góp vốn bằng đất đai, tiền, cơ chế cho nên rất phức tạp. Hiện Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế đề nghị lùi sang kỳ họp thứ 9.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, khi phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có dự kiến sửa đổi các luật cho phù hợp và trình Quốc hội tại kỳ thứ 7, bao gồm: sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, kinh doanh bảo hiểm nhưng Bộ trưởng Tư pháp cũng băn khoăn trong khi bây giờ không thấy đưa các nội dung trên vào trong chương trình.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề chưa thấy Chính phủ đưa ra lộ trình sửa các luật liên quan đến CPTPP, nhất là từ ngày 11-1-2019, CPTPP đã có hiệu lực.
Về Luật PPP, Bộ trưởng Lê Thành Long giải trình hiện đã có một số nghị định quy định và có 2 điểm vướng cần xử lý ở tầm luật chứ nghị định không xử lý được. Nếu xử lý ở tầm luật, nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn. Do đó, Chính phủ để lùi lại mục đích làm cho kỹ hơn. Về những luật liên quan đến CPTPP, 3 vấn đề về sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, kinh doanh bảo hiểm đang dựa trên cơ sở rà soát, báo cáo của Bộ Công Thương, sau đó Chính phủ sẽ trình sau.
Chiều cùng ngày, UBTVQH xem xét và đã thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND. Trước đó, góp ý vào điều 2 của dự thảo nghị quyết, thành viên UBTVQH cho rằng quy định đối với những vấn đề phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp thuộc thẩm quyền của HĐND thì Thường trực HĐND triệu tập kỳ họp HĐND bất thường. Cách viết “ kỳ họp bất thường” gây ra cách hiểu không chính xác, đề nghị sửa đổi cho phù hợp.
Người lao động