Đề nghị xử lý nghiêm người tung tin đồn thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi
Hôm nay, 8/3/ Bộ NN&PTNT có văn bản gửi Bộ Thông tin và truyền thông về việc xử lý thông tin đăng tải không chính xác về dịch tả lợn châu Phi.
- 08-03-2019Dịch tả lợn châu Phi "đổ bộ", Thái Nguyên trở thành tỉnh thứ 10 nhiễm dịch
- 08-03-2019Dịch tả lợn Châu Phi: Hải Phòng 'vỡ trận'!
- 07-03-2019Hà Nội thêm 3 quận huyện có ổ dịch tả lợn châu Phi
Theo Bộ NN&PTNT, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu lan rộng thì trên các trang fanpage, trang facebook cá nhân như: Đầm Bầu Thời Trang Mami; Trang Thao Mandy... đã đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, các tài khoản này kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn, sản phẩm chế biên từ thịt lợn vì có thể lây sang người.
Theo Bộ NN&PTNT, qua xác minh, kiểm tra những hình ảnh được phát tán trên mạng là lấy lại từ nhiều báo điện tử và là hình ảnh về bệnh sán dây ở lợn xảy ra tại tỉnh Bình Phước vào tháng 11/2018 chứ không phải về dịch tả lợn. Qua đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật để tránh gây hoang mang dư luận.
Một số tài khoản trên mạng xã hội facebook đã tung những tin đồn thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi khiến người dân hoang mang
Ngoài ra, một số tài khoản trên mạng xã hội cũng đưa nhiều thông tin thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi, gây hoang mang trong dư luận như: dịch tả lợn châu Phi lây sang người, kêu gọi tẩy chay thịt lợn... Chưa hết còn có những tin đồn lợn ăn cám của một số hãng thức ăn chăn nuôi nổi tiếng cũng bị "dính dịch tả lợn châu Phi"…
Những thông tin không đúng sự thật trên được lan truyền rất nhanh khiến không ít người phẫn nộ, đặc biệt là người chăn nuôi. Đáng nói, một số người dùng mạng xã hội lớn như facebook đã chia sẻ rộng rãi thông tin này, có những tài khoản có đến gần 1.000 lượt chia sẻ càng khiến người dân hoang mang.
Phần lớn những tài khoản facebook tung tin đồn thất thiệt này là những người bán hàng trực tuyến, cần tương tác để “câu” người theo dõi, tăng tương tác.
Trong khi, cả Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đều khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người.
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng đã phát đi thông báo bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh.
Thông báo cũng khẳng định dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Tính tới ngày 8/3, dịch lợn tả châu Phi đã xuất hiện ở 10 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình và Thái Nguyên.
An ninh thủ đô