MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dè sẻn trong mùa dịch (*): Xài tiền cũng phải học!

25-08-2020 - 12:19 PM | Thị trường

Biết cách quản lý tài chính của gia đình giúp các bà nội trợ, dân văn phòng tiết kiệm chi tiêu, đầu tư tiền nhàn rỗi để sinh lời trong giai đoạn dịch Covid-19

Dưới góc nhìn của các chuyên gia tài chính cá nhân, không phải chờ đến khi có đại dịch mới cắt giảm, tiết kiệm mà bất cứ bà nội trợ, dân văn phòng cũng cần biết cách quản lý tài chính cho bản thân và gia đình để phòng tránh rủi ro.

Lập kế hoạch cho cả năm

Từ khi có dịch Covid-19, chị Minh Thanh (nhân viên kinh doanh một công ty ở quận Bình Thạnh, TP HCM) bắt đầu tính toán lại ngân sách và hạn mức chi tiêu trong nhà theo hướng tiếp tục siết những khoản chưa cần thiết hoặc lãng phí dù trước đó chị đã áp dụng nhiều bài học quản lý tài chính khá hiệu quả. "Khoản sữa và thuốc bổ cho con trai được tôi đặt hàng từ nước ngoài về không bị cắt giảm mà chuyển sang đặt thương hiệu khác có giá mềm hơn, chất lượng tương đương. Tôi cũng tính toán thời điểm nào thương hiệu sữa, thuốc bổ ở nước ngoài có khuyến mại sâu nhất để đặt mua. Hạn dùng sữa, thuốc bổ của nước ngoài thường từ 3-5 năm nên tôi thường 6 tháng hoặc 1 năm đặt mua luôn một lần, sẽ tính được chi phí khoản này cho cả năm" - chị Minh Thanh cho hay.

Chị Bảo Châu, chủ một doanh nghiệp tư nhân ở quận 2, TP HCM, mẹ của 3 con nhỏ, chia sẻ khoảng 2-3 tháng nay, chị cũng đã siết kỷ luật chi tiêu trong nhà khi thấy dịch bệnh còn phức tạp. "Gồng gánh" công ty qua mùa dịch đã vất vả nên chi tiêu trong nhà được chị tính toán kỹ, không thoải mái tiêu xài như trước. "Trong điều kiện công việc khó khăn, tôi phải có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm mới đủ điều kiện lo cho các con. Chỉ chi những khoản thật sự cần thiết, hạn chế tối đa hoạt động vui chơi, ăn uống tốn kém. Ngay cả chồng tôi cũng nhận thấy ý thức phải tiết kiệm , không thoải mái đi với bạn bè như trước. Với cách thức này, chỉ riêng chi tiêu trong nhà thời gian qua giảm được 30%-40%" - chị Bảo Châu nói.

Một số bà nội trợ cũng dạy cho con cái tiết kiệm trong giai đoạn này, bắt đầu bằng việc tiết kiệm điện. Đơn giản như buổi trưa 2 đứa con ngủ 2 phòng thì nay ngủ 1 phòng để bật máy lạnh; tối mở máy lạnh 2-3 giờ cho mát rồi sau đó tắt, mở quạt thay vì bật máy lạnh suốt đêm như trước… Với cách thức đơn giản này, chị Bảo Châu cho hay trong 1 tháng tiền điện giảm từ hơn 3 triệu xuống còn 2,3-2,5 triệu đồng/tháng và đang tiếp tục áp dụng để giảm thêm tiền điện.

 Dè sẻn trong mùa dịch (*): Xài tiền cũng phải học!  - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 buộc các bà nội trợ phải tính toán kỹ các khoản chi tiêu của bản thân và gia đình sao cho tiết kiệm nhất. Ảnh: TẤN THẠNH

Tiết giảm và cắt giảm

Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh nhận định biết cách quản lý tài chính cá nhân, chi tiêu thông minh hơn không chỉ giúp các gia đình tiết kiệm trong mùa dịch Covid-19, mà giai đoạn nào cũng cần thiết. Bởi có thực tế là nhiều phụ nữ quen mua sắm theo sở thích, từ quần áo, mỹ phẩm, giày dép… nên có những món đồ chưa bóc tem, cả năm không dùng đến.

"Lúc kinh tế ổn định, thu nhập không bị ảnh hưởng, thói quen này không tác động nhiều đến túi tiền của gia đình. Nhưng trong giai đoạn đại dịch khó khăn như hiện nay, việc này sẽ rất tốn kém khi thu nhập không tăng mà còn giảm. Thậm chí nhiều người cứ thấy hàng giảm giá là mua nhiều, mua gom, tưởng là tiết kiệm nhưng thực tế lại rất lãng phí vì không dùng tới" - TS Huỳnh Trung Minh phân tích.

Theo các chuyên gia tài chính, chi tiêu thông minh là chỉ mua những thứ thật cần thiết và tận dụng các công cụ tài chính giúp tiết kiệm. Đơn giản như việc dùng thẻ tín dụng để được trả góp 0% lãi suất (không tính phí giao dịch) với đồ dùng nhiều tiền hoặc dùng thẻ tín dụng để được miễn lãi trong 45-55 ngày nhưng cần kiểm soát để tránh cà thẻ quá mức…

Chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển cho biết quản lý tài chính cá nhân hiện đại là để phòng tránh rủi ro phát sinh và vừa có thể sinh lời. Với các bà nội trợ, dân văn phòng có thể là gửi tiết kiệm, mua vàng, bất động sản, chứng khoán… "Rất nhiều người thường than phiền không có tiền để đầu tư, kể cả người thu nhập 20 triệu đồng/tháng hoặc người nhận lương 50 triệu đồng/tháng. Đó là vì họ thường xài hết những gì mình có, trong khi nguyên tắc quản lý tài chính là phải hài hòa giữa chi tiêu và tiết kiệm, phải dành một khoản 10%-20% thu nhập mỗi tháng để tiết kiệm, phòng giai đoạn rủi ro. Nguyên tắc đơn giản nhất là tiết giảm và cắt giảm" - TS Đinh Thế Hiển nói.

Một số ý kiến cho rằng việc chi tiêu dè sẻn quá mức, ai cũng tiết kiệm làm sao kích cầu nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn? Các chuyên gia tài chính cho rằng tùy vào tình hình tài chính của mỗi người, mỗi gia đình mà mức chi tiêu, tiết kiệm sẽ khác nhau và tiêu dùng hợp lý không có nghĩa là "ki bo". Khoản nào phải chi thì sắp xếp để tiết giảm, khoản nào thuộc về hưởng thụ nên cắt giảm mạnh để có ngân sách dự phòng. Mua tối thiểu để dùng, mua đủ xài thay vì ham mua rẻ và mua nhiều dự trữ.

Bán hàng online kiếm thêm thu nhập

Bên cạnh bài toán chi tiêu, không ít bà nội trợ, dân văn phòng chọn cách tìm việc làm như bán hàng online. Chị Trần Lê (giáo viên dạy THPT tại TP HCM) cho biết từ sau Tết nguyên đán đến giờ, thu nhập của cả nhà bị giảm sút nghiêm trọng vì dịch Covid-19, chị bắt đầu tập bán hàng online, chọn một số mặt hàng từ người quen, người thân giới thiệu có chất lượng rồi rao bán trên mạng xã hội. Khi có người đặt hàng, 2 vợ chồng cũng thay nhau giao trong nội thành để đỡ tốn chi phí. "Khi đi dạy lại, ngoài việc tiếp tục cắt giảm chi phí sinh hoạt trong nhà, tôi cũng nhận dạy thêm nhiều lớp để có thêm thu nhập. Khi nào có mặt hàng ngon, chất lượng tôi vẫn bán hàng online" - chị Trần Lê nói.

Chị Ngọc Thanh, nhân viên truyền thông ở quận 1, cho hay gần 1 năm nay, cô bắt đầu lập trang Facebook riêng về mỹ phẩm rồi nhập hàng về, rao bán trên mạng cho bạn bè, người thân. Bên cạnh công việc chính hằng ngày, giờ nào rảnh là Thanh lên mạng, đăng bán các sản phẩm rồi tự đi giao hàng (nếu tiện đường đi làm, trên đường về nhà). "Thu nhập không tăng thêm nhiều nhưng ít ra cũng có một nghề tay trái để có thêm thu nhập khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và lương thưởng ở công ty cũng bị cắt giảm" - Ngọc Thanh chia sẻ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-8

Theo Linh Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên