Để vững bước trên đường hội nhập
Hoạch định chính sách tiền tệ cần phải có một tầm nhìn rộng bao gồm cả trong nước và quốc tế lẫn khu vực phi ngân hàng.
- 09-01-2017NHNN sẽ xây dựng 1 Luật "đặc biệt" để mạnh tay tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu
- 06-01-2017Năm 2016, DATC đã xử lý hơn 7.000 tỷ đồng nợ xấu
- 26-12-2016“Không xử lý được nợ xấu, ngành ngân hàng sẽ rất khó khăn”
Chủ động hòa nhập…
Kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO (năm 2007), mảng dịch vụ tài chính NH có những bước tiến quan trọng ở hai khía cạnh. Một là, sự có mặt ngày càng nhiều của các NH, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, các công ty quản lý quỹ của nước ngoài ở Việt Nam, đặc biệt trong ngành NH số lượng các chi nhánh, NH 100% vốn nước ngoài tăng gấp ba lần. Các quy định gia nhập và rời bỏ thị trường cũng đã được quy định rõ ràng, minh bạch hơn… Tuy nhiên, thị phần của các định chế tài chính quốc tế kể cả trong lĩnh vực NH, bảo hiểm và quỹ đầu tư có tăng lên nhưng không đáng kể.
Mặt khác, sự tham gia của các NH và các định chế tài chính của Việt Nam ra nước ngoài có vẻ như chậm chạp, kém hiệu quả, chưa có bước phát triển ấn tượng nào. Ngoại trừ BIDV, Vietcombank, SHB, VietinBank… các NH còn lại chưa chú trọng đến việc này. Ngay cả những NH đi đầu trong mở rộng hệ thống NH ra nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển và mở rộng thị trường.
Nhìn dưới khía cạnh quản trị thì trong suốt thời gian qua, các NHTM của Việt Nam cũng có những tiến bộ quan trọng cả về khung pháp lý, năng lực thể chế. NHNN đã ban hành hàng loạt các quy định về chỉ tiêu an toàn hệ thống, các chuẩn mực thanh tra giám sát, hệ thống thống kê, dự báo, đặc biệt hệ thống đánh giá xếp hạng các NHTM theo chuẩn mực Camels. Bản thân các NHTM cũng đã có những nỗ lực rất lớn về hoàn thiện các định chế quản lý như là Hội đồng quản trị, Uỷ ban giám sát, Uỷ ban quản lý rủi ro, kiểm toán nội bộ, ALCO… Các NHTM cũng đã chú trọng phát triển công nghệ, corebanking T24 ứng dụng corebanking vào quản trị hàng ngày…
Nhìn một cách tổng quát, các NHTM Việt Nam đã có những thay đổi về cấu trúc hệ thống quản trị, năng lực thể chế theo hướng tiệm cận các chuẩn mực khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập của các NH Việt Nam, đặc biệt hội nhập về quản trị, quản lý rủi ro, gặp phải trở ngại rất lớn. Đó là chất lượng tài sản (nợ xấu) trở thành một gánh nặng khiến cho quá trình này bị chững lại trong vài ba năm gần đây. Đặc biệt, sự sụt giảm rất mạnh về nền tảng tài chính, cụ thể là khả năng sinh lời đã cản trở các NHTM trong việc đầu tư công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và phát triển sản phẩm dịch vụ theo các chuẩn mực của Basel II, III.
Những năm tới đây, vấn đề hội nhập quốc tế của ngành NH tiếp tục là một thách thức lớn và ngày càng gia tăng. Nhất là khi chúng ta đã chính thức hình thành khối ASEAN năm 2015 và Việt Nam đã và đang tiếp tục ký kết các Hiệp định thương mại tự do, cũng như thực hiện lộ trình WTO.
Đây là một cơ hội lớn của các DN, NH Việt Nam tham gia sâu hơn vào hội nhập quốc tế, đồng thời cũng là thách thức khi các NH sẽ phải chịu những tác động mạnh hơn từ quá trình đó. Ví dụ, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các NH 100% vốn, chi nhánh NH nước ngoài ở Việt Nam, sự xuất hiện các NH nước ngoài có cổ phần ở các ngân hàng Việt Nam cũng ngày càng nhiều với tỷ lệ cổ phần gia tăng.
Điều này đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải lựa chọn được chiến lược kinh doanh đúng đắn với quy mô vốn, tổng tài sản hợp lý, đồng thời tận dụng các lợi thế về mạng lưới nhiều hơn, sự hiểu biết khách hàng tốt hơn, dịch vụ đa dạng hơn để tồn tại và phát triển.
Nhưng phải theo chiều sâu và “chất” hơn
Vậy cụ thể các NH Việt phải làm gì trong thời gian tới? Trước mắt, NH của Việt Nam do còn bị hạn chế rất nhiều về nền tảng tài chính và năng lực thể chế, trong đó, vấn đề then chốt là công nghệ và nhân lực.
Có một xu hướng đang diễn ra hầu hết các nước trên thế giới đang bước vào làn sóng công nghệ thứ 4. Đây là một làn sóng phát triển rất đặc biệt. Nó có thể làm thay đổi không chỉ cấu trúc kinh tế, xã hội mà cả các quan hệ giữa con người với con người. Điều quan trọng là làn sóng này tác động rất mạnh vào khu vực tài chính, đặc biệt là hệ thống NH do nó dựa trên nền tảng công nghệ thông tin là chủ yếu.
Đến thời điểm này, các hệ thống NH 3.0 (khách hàng giao dịch không cần phải đến NH) đang ngày càng phổ biến. Đây là điều kiện căn bản để NH mở rộng phạm vi hoạt động mà tiết kiệm chi phí nhân lực, quản trị, cải thiện căn bản các chỉ tiêu an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, việc phát triển nhanh hệ thống công nghệ NH số xuất hiện rủi ro lớn về an ninh mạng, an toàn cơ sở dữ liệu, đặc biệt cơ sở dữ liệu của khách hàng. Đây là vấn đề mới, thách thức thực tế của Việt Nam. Vì vậy, hệ thống NH cần phải phát triển nhanh hệ thống thông tin quản lý, hệ thống thanh toán bù trừ tự động; đồng thời cũng phải xây dựng một lực lượng bảo vệ an ninh mạng và an toàn cơ sở dữ liệu riêng của ngành NH để tránh rủi ro, thất thoát từ mạng dữ liệu.
Điều này cũng đặt ra cho công tác giám sát từ xa, phòng chống rửa tiền những thách thức mới mà trong đó công nghệ thông tin và quản lý thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng.
Nợ xấu ví như hòn đá đeo đằng sau lưng các NH, nổi được là giỏi lắm rồi nói gì đến chuyện bơi nhanh.
Một vấn đề nữa, nếu không thay đổi, các NH Việt Nam có thể dần mất đi thế mạnh NH nội địa với mạng lưới chi nhánh rộng, khách hàng truyền thống… Vì trong tương lai, khi các NH trong khu vực ASEAN mở rộng thị phần thậm chí mua cổ phần tại các NH Việt Nam có thể dần dần hòa nhập văn hóa sẽ tạo được hệ thống mạng lưới chi nhánh đáng tin cậy.
Cuối cùng xu thế toàn cầu hoá xen kẽ với những khuynh hướng bảo hộ mậu dịch cũng đẩy hệ thống tài chính toàn cầu vào những rủi ro mới. Ví như, chiến tranh tiền tệ, khủng hoảng nợ, phản ứng bầy đàn và sự phát triển vũ bão của thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư rủi ro, quỹ đầu tư phòng vệ và quỹ đầu tư quốc gia, NH đầu tư… cũng khiến cho hệ thống tài chính chứa đựng những yếu tố bất định và quyền lực của các NHTW đối với thị trường tài chính nói chung bị suy giảm.
Vì vậy, chính sách tiền tệ, đặc biệt là lãi suất, tỷ giá hối đoái, thanh khoản hệ thống có thể bị chi phối rất mạnh từ khu vực tài chính phi NH thậm chí từ cả các khu vực phi tài chính (DN, tập đoàn lớn). Đây là rủi ro mang tính toàn cầu và đang ngày càng hiện hữu tại Việt Nam. Do đó, hoạch định chính sách tiền tệ cần phải có một tầm nhìn rộng bao gồm cả trong nước và quốc tế lẫn khu vực phi NH, khu vực tài chính và phi tài chính mới duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc.
Đối với áp dụng thông lệ chuẩn mực quốc tế, NHNN đã từng có chương trình tái cấu trúc hệ thống NH hướng tới chuẩn mực quốc tế đặc biệt là các chuẩn mực quản trị, quản lý rủi ro và chuẩn mực kế toán. Tuy nhiên, như trên đã nói, do đặc thù của cấu trúc vốn điều lệ của Việt Nam (vốn cấp I là chủ yếu), cũng như những trở ngại rất lớn từ chất lượng tài sản cho nên việc áp dụng chuẩn mực này cần có lộ trình phù hợp và thận trọng. Đặc biệt, đối với những NH nhỏ đang gặp khó khăn lớn về nền tảng tài chính. Theo đó, không nhất thiết chuẩn mực nào cũng phải bắt kịp, nhưng có những chuẩn mực nhất định phải theo đó là chuẩn mực kế toán và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
Việc quan trọng hiện nay là giữ vững tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của NHNN, xử lý nợ xấu cải thiện khả năng sinh lời. Trên nền tảng đó mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng nhanh hơn những chuẩn mực thông lệ quốc tế, an toàn hệ thống, quản trị, quản lý rủi ro và chuẩn mực kế toán tài chính. Hiện nay chuẩn mực kế toán Việt Nam còn khác xa so với quốc tế nên khó có thể có đánh giá đúng mức sức cạnh tranh NH Việt Nam với các NH bạn. Muốn cạnh tranh sòng phẳng thì phải tìm mọi cách giải phóng món nợ nần cũ khỏi đôi vai của NH. Đấy là chất lượng tài sản tốt, nợ xấu phải xử lý nhanh. Nợ xấu ví như hòn đá đeo đằng sau lưng các NH, nổi được là giỏi lắm rồi nói gì đến chuyện bơi nhanh.
Trước mắt, Nhà nước cần có những khuôn khổ pháp lý đặc biệt hữu hiệu để giúp các NHTM giải quyết nhanh nợ xấu, lãi dự thu nhất là cải thiện khả năng sinh lời. Điều này đang là một thách thức lớn của toàn hệ thống.