Đề xuất 6 trường hợp được thực hiện chế độ điều dưỡng trong Công an nhân dân
Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định chế độ điều dưỡng trong Công an nhân dân.
Dự thảo đề xuất các trường hợp được thực hiện chế độ điều dưỡng gồm:
1. Cán bộ, chiến sĩ công tác, chiến đấu, lao động thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động thương binh và xã hội; cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe kém mà cơ sở y tế cùng cấp đề nghị cần thiết phải đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe.
2. Cán bộ, chiến sĩ sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi.
3. Cán bộ, chiến sĩ đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc sau khi điều trị tại cơ sở y tế mà sức khỏe chưa phục hồi.
4. Cán bộ, chiến sĩ nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi.
5. Cán bộ, chiến sĩ có đủ điều kiện nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí mà có vấn đề về sức khỏe cần thiết phải đi điều dưỡng trước khi nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí.
6. Người có công với cách mạng đang công tác trong Công an nhân dân.
Các trường hợp không được thực hiện chế độ điều dưỡng
1. Cán bộ, chiến sĩ thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thực hiện chế độ điều dưỡng tập trung:
a) Các trường hợp tổn hại sức khỏe do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định.
b) Có thời gian công tác và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 03 tháng.
c) Có bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế.
d) Đang trong thời hạn chấp hành kỷ luật.
đ) Bị tạm đình chỉ, đình chỉ công tác; đang trong thời gian xác minh, xem xét, kết luận đơn, thư khiếu nại, tố cáo hoặc đang chờ xét kỷ luật (cả về Đảng, Chính quyền). Sau khi xác minh, nếu kết luận không có sai phạm thì ngay sau khi có kết luận được thực hiện chế độ điều dưỡng theo quy định; nếu xác minh có sai phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì thực hiện chế độ điều dưỡng vào năm tiếp theo (nếu có).
2. Các trường hợp hưởng chế độ điều dưỡng tại chỗ (tại nhà) thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động.
Thời gian điều dưỡng tối đa 10 ngày
Dự thảo quy định thời gian điều dưỡng như sau:
a) Mức 1: Tối đa 10 ngày đối với cán bộ, chiến sĩ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau điều trị tại cơ sở y tế do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; cán bộ, chiến sĩ nữ sinh một lần từ hai con trở lên; người sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên; cán bộ, chiến sĩ công tác, chiến đấu, lao động thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) Mức 2: Tối đa 07 ngày đối với cán bộ, chiến sĩ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau phải phẫu thuật tại cơ sở y tế; cán bộ, chiến sĩ nữ sinh con phải phẫu thuật; người sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa hồi phục có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%; cán bộ, chiến sĩ công tác, chiến đấu, lao động thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Mức 3: Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp thai sản khác; người sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa hồi phục có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.
Bằng 05 ngày đối với cán bộ, chiến sĩ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau điều trị tại cơ sở y tế; cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe kém mà cơ sở y tế đề nghị cần thiết phải đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe và các trường hợp cán bộ, chiến sĩ có đủ điều kiện nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí mà có vấn đề về sức khỏe cần thiết phải đi điều dưỡng trước khi nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí.
Thời gian điều dưỡng bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần. Cục trưởng Cục Y tế quyết định thời gian đối với điều dưỡng tập trung; Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quyết định thời gian đối với điều dưỡng tại chỗ (tại nhà) nhưng không vượt quá mức thời gian điều dưỡng quy định.
Thời gian điều dưỡng đối với người có công với cách mạng đang công tác trong Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, các văn bản hướng dẫn của Nhà nước và Bộ Công an.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây .
baochinhphu.vn