MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất chỉ sử dụng tối đa 2 loại kháng sinh (được phép) trong 1 sản phẩm thức ăn chăn nuôi

04-06-2018 - 17:58 PM | Thị trường

Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho gia súc, gia cầm và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường mới đây đã trình bày báo cáo thẩm tra Dự Luật Chăn nuôi trước Quốc hội. 

Theo Báo cáo thẩm tra, Ủy ban thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung một số quy định về kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, xuất khẩu.

Cụ thể, chương quản lý thức ăn chăn nuôi được quy định từ Điều 29 đến Điều 37 của Dự thảo Luật. Chương này quy định chung về quản lý thức ăn chăn nuôi, các điều kiện của cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi; điều kiện của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và điều kiện xuất, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phù hợp quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014. 

Trong chương này cũng quy định nguyên tắc quản lý sử dụng kháng sinh; ghi nhãn thức ăn chăn nuôi; quảng cáo thức ăn chăn nuôi; quyền, nghĩa vụ của cơ sở sản xuất, mua bán, xuất, nhập khẩu, sử dụng thức ăn chăn nuôi và quyền, nghĩa vụ của tổ chức chứng nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi xuất khẩu, nhập khẩu.

Đa số ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với việc cần phải quản lý thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, Ủy ban thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc quy định về kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu để tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà cho doanh nghiệp; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi. Theo đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh sửa quy định về quản lý, về điều kiện của cơ sở sản xuất, về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng thức ăn chăn nuôi.

Đối với khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, Dự thảo Luật quy định thức ăn chăn nuôi phải được khảo nghiệm trong trường hợp có kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi không có tên trong danh mục quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 29 của Luật này. 

Nội dung khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi gồm phân tích thành phần, chất lượng sản phẩm; đánh giá đặc tính, công dụng của sản phẩm; đánh giá độc tính, độ an toàn đối với vật nuôi, môi trường và người sử dụng; nội dung khác theo đặc thù của từng sản phẩm.

Ủy ban thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo phân biệt rõ các hoạt động khảo nghiệm phục vụ quản lý nhà nước, phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quy định việc quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi theo hướng hậu kiểm, thừa nhận hợp chuẩn, hợp quy; bổ sung quy định về sử dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp hoặc thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng cho người sang làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Về nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh, dự thảo Luật quy định không sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng cho gia súc, gia cầm.

 Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho gia súc, gia cầm và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và theo đơn của kỹ thuật viên thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh động vật theo quy định của pháp luật về thú y. 

Bên cạnh đó, sản xuất và sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, mục đích sử dụng, thời gian sử dụng đảm bảo không gây tồn dư kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép trong sản phẩm chăn nuôi và không gây ảnh hưởng đến kháng kháng sinh trong điều trị bệnh của con người và vật nuôi. Chỉ được sử dụng kháng sinh, thuốc thú y có thành phần không phải là kháng sinh phòng bệnh, trị bệnh trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm, động vật cảnh; thức ăn tinh đối với gia súc ăn cỏ được phép lưu hành tại Việt Nam. Chỉ sử dụng tối đa 02 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Trước vấn đề này, Ủy ban thẩm tra nhận thấy việc sử dụng chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để trị bệnh và phòng bệnh cho vật nuôi phải tuân theo quy định của pháp luật về thú y. Tồn dư kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm chăn nuôi vượt ngưỡng cho phép sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vì vậy không khuyến khích sử dụng kháng sinh, hóa chất trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, Ủy ban thẩm tra nhất trí với các nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh quy định tại Điều 34 của Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình cơ sở khoa học của quy định chỉ sử dụng tối đa 02 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi; đồng thời chỉnh sửa các quy định về nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh cho rõ ràng, khả thi hơn.

Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên