Đề xuất chở hàng sang Trung Quốc bằng tàu hỏa để giải phóng hơn 2.000 xe ùn ứ tại Lạng Sơn
Năng lực thông quan hiện tối đa khoảng 90 xe một ngày, trong khi vẫn còn khoảng 2.100 xe. Hơn nữa, dự kiến Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý người và hàng hóa qua biên giới đến giữa tháng 3 năm sau.
- 27-12-2021Báo Nhật: 'Ông lớn' bán lẻ AEON muốn mở 100 siêu thị và 16 TTTM tại Việt Nam vào năm 2025
- 27-12-2021Lộ diện top 10 tỉnh thành thu hút FDI năm 2021: TP. HCM, Hà Nội hay Long An đều không đứng đầu
- 27-12-2021Giải mã 'sức hút' địa phương liên tục lọt top 10 nhiều BXH, sắp có sân bay lớn nhất cả nước - thuộc 16 dự án được mong chờ nhất thế giới
Tại buổi tổng kế công tác năm 2021 của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), liên quan đến tình hình ùn ứ xe nông sản tại cửa khẩu trong khoảng 1 tháng qua, ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn nhấn mạnh, khó có thể giải phóng hết lượng hàng hóa cho đến Tết Nguyên đán.
Cụ thể, năng lực thông quan hiện tối đa khoảng 90 xe một ngày, trong khi vẫn còn khoảng 2.100 xe. Hơn nữa, dự kiến Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý người và hàng hóa qua biên giới đến giữa tháng 3 năm sau.
Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn đề xuất phương án chở hàng sang Trung Quốc bằng đường sắt để giải quyết tình trạng ùn tắc. Với phương án này, cả đoàn tàu chỉ cần tổ vận hành, đáp ứng được chính sách Zero COVID từ phía Trung Quốc.
Đồng thời, ông cũng kiến nghị Chính phủ sớm tổ chức hội đàm cấp cao với Trung Quốc để tạo điều kiện thông quan hàng hóa, bởi các hội đàm cấp thấp đã diễn ra nhưng chưa hiệu quả. Trước mắt, Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) sẽ hội đàm với Hải quan Lạng Sơn, Cao Bằng.
Thời gian qua, các biện pháp kiểm soát nhập khẩu gắn với yêu cầu, điều kiện trong phòng, chống dịch COVID-19 của Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, dẫn tới tình trạng ùn ứ xe container.
Bộ Công thương cho hay, nguyên nhân chủ quan là những điểm yếu cố hữu của sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam thời gian qua.
Đó là sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc… Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát nhập khẩu gắn với yêu cầu, điều kiện trong phòng, chống dịch COVID-19 của Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, dẫn tới tình trạng ùn ứ xe container.
Bất chấp việc các bộ, địa phương biên giới liên tục có các khuyến cáo về tình hình ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu, song các thương nhân vẫn tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ: Ngoại giao, Công thương, các cơ quan và địa phương biên giới làm việc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương của Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thông quan hàng hóa của cả hai nước đang ùn tắc tại cửa khẩu, trong đó ưu tiên cho các hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và các xe hàng, container đang ùn ứ.
Phó Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các địa phương có hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu thông báo rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân biết về tình hình thông quan, xác định rõ số lượng phương tiện có thể được vận tải hàng hóa lên cửa khẩu mỗi ngày và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không ùn tắc tại cửa khẩu.
Về lâu dài, Bộ Y tế, Hải quan, UBND các tỉnh, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để bàn bạc, hình thành các "vùng xanh", "luồng xanh" an toàn dịch bệnh tại khu vực biên giới. Bộ Y tế nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình để hình thành vùng xanh, luồng xanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu một cách an toàn.
Các địa phương tổ chức các hội nghị với các doanh nghiệp để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, người dân biết để chủ động trong sản xuất, kinh doanh, như tổ chức tiêu thụ hàng hóa tại chỗ, có phương thức bảo quản, đóng gói tại chỗ cho tốt.
Đáng chú ý, các địa phương cần hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Tập trung mở rộng thị trường, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống; hạn chế tiến tới chấm dứt hoạt động thương mại đường mòn, lối mở; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng logistics để bảo quản, quản lý hàng hóa.