Đề xuất điều chỉnh giá điện theo mùa
Tại hội thảo "Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam" do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 5-11, các chuyên gia cho rằng việc chia biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt thành 6 bậc đã không còn phù hợp với thực tiễn.
PGS-TS Bùi Xuân Hồi (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), đại diện nhóm tư vấn xây dựng đề án, cho rằng việc chia 6 bậc theo quy định hiện hành có phần quá chi tiết, trong khi cơ cấu tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến biểu giá điện không còn phù hợp với chi phí và chưa thực sự công bằng giữa các hộ tiêu dùng điện. Do đó, nhóm tư vấn đề xuất 3 phương án thay đổi, gồm 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc khi xây dựng đề án cải tiến cơ cấu bán lẻ điện. Mặc dù đưa ra 3 phương án nhưng PGS-TS Bùi Xuân Hồi nhận định phương án biểu giá điện 5 bậc phù hợp nhất với các mục tiêu định giá.
"Với phương án 5 bậc, cách chia các bậc lần lượt là: bậc 1 từ 0 - 100 KWh; bậc 2 từ 101 - 200 KWh; bậc 3 từ 201-400 KWh; bậc 4 từ 401-700 KWh và bậc 5 từ 701 KWh trở lên. Hộ tiêu dùng bậc 2 sẽ chịu tác động ít nhất trong 3 phương án. Việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay, 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình" - ông Hồi cho hay.
Nhóm xây dựng Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đề xuất chu kỳ điều chỉnh giá điện thực hiện theo mùa mưa và mùa khô Ảnh: EVN
Đại diện nhóm tư vấn cũng chỉ rõ phương án 5 bậc sẽ không gây tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vì tổng chi tiêu hộ sinh hoạt không tăng mà có mức giảm nhẹ. Tuy nhiên, chi tiêu hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo của Chính phủ sẽ tăng khoảng 5,7 tỉ đồng/tháng và doanh thu của EVN sẽ giảm nhẹ.
Một đề xuất khác khá quan trọng trong quá trình xây dựng đề án cải tiến cơ chế biểu giá bán lẻ điện là luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá điện theo phương án 6 tháng một lần. Theo đó, thời điểm điều chỉnh sẽ lựa chọn theo mùa mưa và mùa khô, đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biến về sản lượng. Kỳ điều chỉnh giá đề xuất sẽ vào các ngày 1-3 và 1-9 hằng năm. "Vẫn có thời điểm điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế dẫn đến sự thay đổi về chi phí sản xuất và mua điện" - PGS-TS Bùi Xuân Hồi cho hay.
Nhóm tư vấn đề án khẳng định cách tính này phù hợp về mặt pháp lý, đơn giản trong tính toán bởi mùa khô và mùa mưa thì chi phí cung ứng điện khác nhau. GS-TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng việc thay đổi chu kỳ tính giá sẽ tiệm cận cơ chế thị trường. "Đến chu kỳ theo 2 mùa, EVN báo cáo thay đổi giá, cơ quan quản lý thông qua hoặc quy định thì thành luật để thực hiện. Cơ chế điều chỉnh giá theo đầu vào như thế nào, theo tỉ giá hay thời điểm điều chỉnh giá có thể nghiên cứu thêm" - ông Trần Đình Long cho hay.
TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cũng đánh giá đây là phương án phù hợp với tình hình hiện tại. Theo đó, với mùa mưa hoặc năm không hạn hán, thủy điện chiếm ưu thế thì sẽ có chi phí phát điện rẻ. Đối với mùa khô hoặc những năm hạn hán, phải huy động nguồn nhiệt điện thì chi phí sẽ cao hơn.
Điều chỉnh giá linh hoạt để không gây "sốc"
Tại hội thảo, ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học môi trường Quốc hội, đề xuất nghiên cứu điều chỉnh giá điện tăng, giảm theo diễn biến thị trường và tương ứng với điều kiện mùa mưa, mùa khô để không gây "sốc" cho người dân, doanh nghiệp khi tăng giá. Theo ông Tịnh, các chính sách giá điện cần phải bảo đảm nguyên tắc thị trường. Giá điện khi đưa ra phải bảo đảm và hài hòa lợi ích giữa người sử dụng, doanh nghiệp đầu tư.
Người Lao động