MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất đổi cách tính phí BOT của VCCI: Bộ GTVT nói gì?

23-02-2018 - 16:22 PM | Xã hội

Trao đổi với báo Lao Động, đại diện Bộ GTVT cho biết tới ngày hôm nay (23.2), Bộ chưa nhận được văn bản chính thức từ Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) góp ý cho Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ để kinh doanh, nhưng đang tiếp thu ý kiến rộng rãi để hoàn thiện dự thảo.

Theo đại diện Bộ GTVT, việc soạn thảo dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-BGTVT được giao cho Vụ Tài chính chủ trì và Bộ vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến của người dân, các chuyên gia cũng như các tổ chức xã hội, ban bộ ngành. Tuy nhiên, đề xuất của VCCI về việc thay đổi cách tính phí BOT thì Bộ GTVT chưa nhận được mà mới chỉ nghe qua báo chí.

Nội dung cụ thể của đề xuất, Bộ GTVT chưa nắm được nên chưa thể đưa ra ý kiến nhưng cho biết sẽ tổng hợp sau khi nhận được các ý kiến đóng góp khác để rà soát, đánh giá và sửa đổi dự thảo thông tư cho phù hợp thực tiễn.

Trước đó, VCCI đề xuất phương pháp tính mức giá mới, dựa trên chi phí vận tải tiết kiệm được của phương tiện. Cụ thể, VCCI cho rằng 2 phương pháp tính giá BOT theo chặng (áp dụng cho dự án thu phí kín) và theo lượt (thu phí hở) hiện nay đều bất cập, không giải quyết được tình trạng thu phí quá cao của một số dự án cải tạo, tăng cường mặt đường. Trong trường hợp đường cũ vẫn còn tốt, đang được đi miễn phí, chủ đầu tư chỉ thực hiện việc cải tạo, tăng cường mặt đường, nhưng được thu giá với mức tối đa là rất bất hợp lý.

Để khắc phục những bất cập trên, VCCI cho rằng phải tính toán chi phí vận tải trung bình của một phương tiện trên đường cũ, bao gồm chi phí khấu hao xe, chi phí nhiên liệu, chi phí thời gian đi lại… Sau khi dự án giao thông được thực hiện, chi phí trung bình giảm xuống, chủ phương tiện được lợi một khoản “chi phí vận tải tiết kiệm được”.

Chủ đầu tư dự án được thu phí BOT không vượt quá chi phí tiết kiệm được. Ví dụ, chi phí trung bình để một xe tải cỡ 4 - 10 tấn đi từ A đến B là 500.000 đồng, sau khi có dự án BOT chi phí giảm còn 300.000 đồng, phương tiện hưởng lợi 200.000 đồng. Nhà nước đặt ra quy định mức giá thu tối đa không được vượt quá 50% chi phí tiết kiệm được, nhà đầu tư chỉ được phép thu mức giá tối đa 100.000 đồng.

Theo tính toán của VCCI, phương pháp này luôn “chấp nhận được” đối với chủ phương tiện, do chủ đầu tư chỉ được phép thu giá bằng 50% những gì chủ phương tiện được hưởng lợi, nên chủ phương tiện luôn được hưởng lợi 50% giá trị còn lại. Phương pháp này xem xét cả chất lượng hiện trạng giao thông trước dự án nên không gây ra tình trạng “cải tạo đường cũ, thu phí như đường mới”.

Theo Khánh Hòa

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên