MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất lao động nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60

23-12-2017 - 20:27 PM | Xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án: một là giữ nguyên quy định hiện hành và hai là tăng tuổi nghỉ hưu kể từ 1-1-2021. Việc tăng sẽ theo lộ trình từ 1-1-2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đó là đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB- XH) tại dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Mục tiêu của việc tăng tuổi nghỉ hưu theo cơ quan soạn thảo là nhằm bảo đảm quyền tự do việc làm của người lao động (NLĐ) sau độ tuổi nghỉ hưu hiện hành, đồng thời tận dụng nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm và bảo đảm cân đối dài hạn quỹ hưu trí, tử tuất.

Theo lý giải của Bộ LĐ-TB-XH, muốn bảo đảm bền vững tài chính của quỹ mà không tăng tuổi nghỉ hưu thì có hai cách: nâng mức đóng của NLĐ và doanh nghiệp (DN), hoặc giảm mức hưởng lương hưu của NLĐ. Tuy nhiên, việc nâng mức đóng là khó vì tăng gánh nặng tài chính của NLĐ và làm giảm sức cạnh tranh của DN. Giảm mức hưởng cũng dẫn đến khó đảm bảo cuộc sống của người hưởng lương hưu.

Do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên Bộ LĐ-TB-XH đề xuất 2 phương án: một là giữ nguyên quy định hiện hành và hai là tăng tuổi nghỉ hưu kể từ 1-1-2021. Việc tăng sẽ theo lộ trình từ 1-1-2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Theo nhận định của Bộ LĐ-TB-XH thì sau 25 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã phát triển mạnh mẽ: GDP bình quân đầu người của Việt Nam thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới, đạt mức 5,5% trong thập kỷ 1990 và 6,4% trong thập kỷ 2000, và đến năm 2015 nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ước đạt 6,7%.

Tuy nhiên quá trình này cũng mang lại những thách thức mới, cải cách hệ thống lương hưu trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu được cho là cấp thiết trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, sức khỏe của người dân đã được cải thiện rõ rệt, quỹ bảo hiểm có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, quy định về tuổi nghỉ hưu của Việt Nam từ năm 1961 đến nay vẫn không thay đổi, trong khi tuổi thọ của người dân ngày càng tăng, cùng với đó là điều kiện làm việc của NLĐ ngày càng được cải thiện. Trên thực tế rất nhiều NLĐ sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc; hoặc tiếp tục ký hợp đồng lao động với chính cơ quan, đơn vị cũ; hoặc làm cho một tổ chức, cá nhân khác.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu của Viện Y học Lao động Phần Lan (FIOSH) về chỉ số khả năng làm việc (WAI) với điều kiện Việt Nam, cho thấy, việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ là hoàn toàn khả thi. Cụ thể, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang làm việc. Nếu mỗi năm có khoảng 120.000 lao động nghỉ hưu thì sẽ có khoảng 48.000 người lao động tiếp tục làm việc.

Theo Đ.Viên

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên