Đề xuất lập trạm thu phí vào nội đô, đại biểu lo “đếm cua trong lỗ”
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần hết sức cân nhắc trong việc xây dựng các trạm thu phí vào nội đô.
- 17-10-2022Đề án thu phí vào nội đô Hà Nội: Lập gần 100 trạm thu phí
- 23-08-2022Ôtô tông sập barie trạm thu phí không dừng: Tài xế - nhà thầu bắt đền lẫn nhau
- 01-08-2022TPHCM: Dòng xe 'rùa bò' qua trạm trong ngày đầu thu phí không dừng
Sáng nay (21/10), liên quan đến dự thảo Đề án thu phí xe ô tô vào nội đô, bên lề hành lang Quốc hội, ông Lê Thanh Vân (đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau) cho biết, thu phí nội đô không mới, tuy nhiên phải xem xét điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông của Hà Nội để có giải pháp một cách thích hợp.
Theo ông Vân, ở các nước trên thế giới, thu phí nội đô chỉ thu một lần. Ngoài ra, văn minh giao thông, hạ tầng giao thông kể cả ý thức tự giác của người dân tại các nước này khác so với ở Việt Nam. Cho nên dù chỉ thu một lần nhưng trật tự giao thông được thể hiện rõ qua hiệu quả quản lý.
Ông Lê Thanh Vân (đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau)
Ông Vân cho biết với dự kiến thu phí nội đô của Hà Nội qua 100 trạm kiểm soát như một “lưới bủa vây” nội đô, cần hết sức thận trọng bởi vì chưa biết sẽ thu được bao nhiêu nhưng tiền chi cho đội ngũ quản lý đội sẽ lên nhiều lần.
Lấy ví dụ TP Hồ Chí Minh trước đây thành lập ra đội quản lý thu phí dừng đỗ xe, đến nay phải bù lỗ, ông Vân cho biết, cần đánh giá một cách hết sức tổng thể tác động của việc thực hiện đề án, nhất là tác động đến nhân dân. Do đó cần lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi thông qua một tổ chức độc lập, theo Luật Trưng cầu dân ý để nắm được ý chí của nhân dân.
"Tôi rất lo ngại về đề án này vì với 100 điểm thu phí, dự toán khoảng 2.600 tỷ đồng để xây dựng các trạm, chưa nói đến bộ máy hoạt động, tổng thể để chi cho việc thực hiện sẽ "đội" lên bao nhiêu, trong khi chưa thể rõ sẽ thu được thế nào. Đếm đầu xe là 50.000 đồng nhân với mấy triệu xe chỉ là “đếm của trong lỗ” khi bài học BRT vẫn còn đó", đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Thay bằng thu phí nội đô như đề xuất của Hà Nội, đại biểu đoàn Cà Mau đề xuất áp dụng hình thức bán vé dán vào biển số xe để dễ kiểm soát. Việc kiểm soát có thể giao cho CSGT và trật tự đô thị kiêm nhiệm thêm.
“Việc xây dựng các trạm thu phí vào nội đô cần hết sức cân nhắc”, ông Lê Thanh Vân khuyến nghị.
Cũng liên quan đến vấn đề thu phí vào nội đô, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, giao thông Thủ đô thường xuyên ùn tắc, do đó, giải pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân đi vào nội đô là cần thiết và thu phí nội đô cũng nhằm mục đích này.
Tuy nhiên, hạn chế phương tiện cá nhân phải song song với phát triển phương tiện công cộng để thay thế. Hai giải pháp này phải đi song song.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội)
“Như tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, khi có phương tiện công cộng, người dân sẽ tự động sẽ thay thế phương tiện cá nhân. Nếu chỉ riêng thu phí nội đô thì không giải quyết được”, ông Cường dẫn chứng.
Tại Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông tại Hà Nội, đơn vị ư vấn lập đề án đã đề xuất chia làm 3 giai đoạn triển khai.
Trong đó, giai đoạn thí điểm, Hà Nội sẽ thu phí phương tiện vào nội đô bắt đầu từ năm 2024. Giai đoạn 2 (từ năm 2026-2030) sẽ mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Giai đoạn 3 (sau năm 2031) mở rộng vùng thu phí phía bờ Bắc sông Hồng. Trong 3 giai đoạn thu phí vào nội đô sẽ lập 68 vị trí, với 87 cổng thu phí.
Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe. Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h-21h. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỉ đồng.
VTV.VN