Đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh Trung học cơ sở trên toàn quốc
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp (ảnh Nhật Minh)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất Chính phủ cho miễn toàn bộ học phí cho học sinh Trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022- 2023.
- 03-06-2022Vì sao Hải Phòng miễn học phí, các địa phương dự kiến tăng gấp nhiều lần?
- 22-03-2022TPHCM công bố những đối tượng được miễn, giảm học phí
- 09-12-2021HĐND TP HCM vừa đồng ý miễn học phí và giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất
Sáng 4/7, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, toàn ngành đang tập trung chuẩn bị tốt nhất để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia những ngày tới bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, công bằng, khách quan.
Bộ cũng đang nghiên cứu, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Đặc biệt, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh Trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022- 2023 . Ngoài ra, Bộ cũng đang triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa.
Trước đề xuất trên, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động. Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, hàng hóa trong nước tuy có tăng giá nhưng vẫn thấp hơn khu vực và thế giới.
Dự báo tình hình sắp tới còn rất nhiều thách thức, đặc biệt nếu dịch bùng phát trở lại, ông Diên đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tiêm chủng vắc xin, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, các địa phương tập trung phát triển thương hiệu các mặt hàng thế mạnh, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt…
Để thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm, chiến lược, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng phải chuẩn bị các dự án kỹ lưỡng với tư vấn giỏi, các địa phương phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Về phần mình, lãnh đạo Bộ cuối tuần đều dành thời gian tới hiện trường để thúc đẩy dự án. Đến thời điểm này, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân hơn 17.300 tỷ đồng, đạt 34% tổng vốn Thủ tướng giao theo kế hoạch năm.
Tiền Phong