Đề xuất miễn visa cho khách xem đua F1, Festival Huế...
Các đại biểu cho rằng chính sách hạn chế visa đang cản trở du lịch và đưa ra nhiều đề xuất cải thiện vấn đề này.
- 19-04-2019Hàn Quốc mở trung tâm đăng ký visa tại TP HCM
- 17-04-2019Khách Việt tăng đột biến, Đại sứ quán Hàn Quốc thay đổi nơi tiếp nhận hồ sơ xin visa
- 11-04-2019Quá tải visa, nhiều tour đi Hàn Quốc 'đứng hình”
Đồng loạt "kêu" chính sách visa
"Tôi chỉ mơ được duyệt visa châu Âu liên tục. Việc xin visa khó chịu đến mức như thế", ông Lương Hoài Nam, Phó TGĐ Công ty hàng không Ngôi Sao Việt mở đầu phản biện của mình tại Phiên hiến kế du lịch, Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 ngày 2/5.
Kể về kinh nghiệm tiếp thị du lịch nhiều năm với đối tác tại các quốc gia giàu có, ông Nam cho hay, câu hỏi thường trực là "Tại sao Việt Nam không miễn thị visa cho chúng tôi trong khi các nước khác đều đã làm".
Lấy ví dụ với 1 triệu người Việt sang Thái Lan năm 2018, ông Nam đặt vấn đề, nếu nước này yêu cầu visa, lượng người Việt du lịch sẽ không còn được bao nhiêu. Ông Lương Hoài Nam cho rằng visa là chính sách quan trọng hàng đầu cho du lịch.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của hầu hết các đại biểu đến từ công ty du lịch và hãng hàng không có mặt tại phiên thảo luận.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, đại diện Vietravel. Ảnh: VnExpress.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho biết nhiều đơn vị đã đề xuất bỏ visa cho một số nước, vùng lãnh thổ từ năm 2016 song vẫn chưa được. Lấy ví dụ Đài Loan áp dụng visa Quan Hồng cho người Việt tham quan du lịch tại nước này, ông Kỳ đề xuất Việt Nam cũng có thể áp dụng chính sách visa linh hoạt đối với từng thị trường, khu vực như vậy để thu hút du lịch.
Visa linh hoạt có thể cấp theo theo thị trường khách đông - vắng, theo mùa, theo sự kiện lớn. Ông Kỳ đề xuấtcó thể miễn visa cho khách quốc tế đến đến xem giải đua xe F1, Seagames, Festival Huế, Vesak vào tháng 5 tới đây...
Visa phổ biến cho các nước khoảng 15 ngày, ông Phạm Hà, Giám đốc công ty du lịch Sang Trọng đề xuất nâng lên 30 ngày thậm chí dài hơn. "Tôi kiến nghị chúng ta bỏ visa càng nhiều nước càng tốt. Indonesia bỏ tới 169 nước. Chúng ta hoà bình, thân thiện nhưng lại không bỏ visa", ông Hà phát biểu và cho rằng visa là rào cản rất lớn đối với du lịch.
Đại diện Saigontourist, ông Trương Tấn Sơn cũng chỉ ra thủ tục cấp thị thực của Việt Nam khiến những người xin cảm thấy không được chào đón. Do đó, ông Sơn đề xuất miễn thị thực visa cho nhiều quốc gia, miễn 5 đến 10 năm với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên.
Cơ quan quản lý chưa đồng tình
Bà Nguyễn Phương Lan, Phó Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao lại cho rằng chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam.
Vị này dẫn chứng, theo báo cáo từ Tổng Cục Du lịch, tỷ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn thị thực đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn.
Bà Lan cho rằng còn các yếu tố khác ảnh hưởng đến du lịch như đội ngũ hướng dẫn viên, cơ sở hạ tầng. Phó Cục trưởng Lãnh sự lấy ví dụ Việt Nam đã miễn thị thực cho khách du lịch Hàn Quốc song các yếu tố trên chưa đạt được yêu cầu dẫn tới doanh nghiệp du lịch nước này áp đảo doanh nghiệp trong nước.
Một đại diện khác từ cơ quan quản lý - Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công An cũng bày tỏ đồng quan điểm từ phía Bộ Ngoại giao.
Tuy nhiên, ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air cũng chia sẻ hiện nay Vietjet Air có 15 chuyến bay sang Hàn Quốc. Khi nước này cấp visa 5 năm ở 3 thành phố lớn, số lượng người Việt đi Hàn Quốc tăng đột biến. Hàn Quốc có chính sách visa mềm, miễn visa cho những người đi du lịch và thương mại thường xuyên đến Hàn Quốc, khoảng 3 lần một năm.
Ở chiều ngược lại, ông Phương cho biết khách du lịch từ Hàn Quốc sang Việt Nam di chuyến qua Vietjet Air tăng 45% trong thời qua.
Nhiều thị trường được miễn thị thực nhưng khách không tăng, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng có thể do thị trường đó phát triển sai mục tiêu.
Dù vậy, về việc mở rộng hay áp dụng rộng rãi miễn thị thực đơn phương, đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng cần xem xét mối quan hệ giữa hai nước, an ninh, đối ngoại và đảm bảo lợi ích công dân Việt Nam.
"Chúng tôi cân nhắc cải thiện về tăng số ngày phù hợp với tour xuyên Việt, bỏ quy định sau 30 ngày nhập cảnh miễn thị thực đơn phương", bà Lan cho biết.
Phía Bộ Công an cho hay đang đưa vào luật hoá thị thực điện tử để thủ tục ổn định, có cơ sở pháp lý để thực hiện, nhằm cải cách thủ tục hành chính. Thời gian lấy visa 3 ngày, phí 25 USD. Vị này tiếp tục khẳng định thủ tục thị thực thông thoáng. Người nước ngoài có thể nhận thị thực tại Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài hay tại cửa khẩu hoặc lấy thị thực điện tử.
Người đồng hành