MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến 2020: Giảm 30%-50% số xe công phục vụ công tác chung

03-04-2017 - 21:12 PM | Xã hội

Trả lời kiến nghị của cử tri một số tỉnh, thành phố đề nghị triển khai rộng rãi khoán xe công nhằm tiết kiệm chi NSNN, Bộ Tài chính cho biết đang hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30%-50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương.

Cử tri An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Tiền Giang, Nghệ An bày tỏ sự đồng tình với chủ trương khoán xe công đối với một số chức danh lãnh đạo có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô công theo quy định. Với những kết quả tích cực từ chủ trương này, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm triển khai rộng rãi chủ trương này, nhằm đảm bảo tiết kiệm chi NSNN.

Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Nghị quyết số 76/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2016, Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã thực hiện việc khoán kinh phí sử dụng xe đối với các chức danh Thứ trưởng và tương đương trở xuống, thực hiện việc sắp xếp lại xe và đội ngũ lái xe của Bộ.

Đồng thời, cơ quan này cũng đang hoàn thiện Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 32 theo hướng phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30%-50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, trong đó dự kiến sửa đổi quy định về khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công mở rộng đối với một số nhóm chức danh (Thứ trưởng và tương đương; một số chức danh sử dụng xe phục vụ công tác chung) trừ địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này với báo giới đầu tháng 3/2017, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Từ khi triển khai Quyết định số 32, số lượng xe phục vụ công tác chung đã giảm đi khá nhiều. Việc xử lý số xe dôi dư thông qua các hình thức điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, bán, thanh lý thu tiền nộp NSNN được thực hiện nghiêm túc.

Theo ông Thắng, tính đến hết 31/12/2016, tổng số xe trên cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước còn 34.214 chiếc; trong đó, xe phục vụ chức danh là 864 chiếc, xe phục vụ công tác chung là 17.047 chiếc và xe chuyên dùng là 16.330 chiếc.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài chính, từ khi thực hiện Quyết định số 32, tổng số xe các đơn vị đã thanh lý được là 1.105 chiếc. Bên cạnh đó, còn 2.041 xe đã được các bộ, ngành, địa phương thống nhất với Bộ Tài chính xếp vào số dư thừa và sẽ tiếp tục thanh lý trong thời gian tới. Như vậy, bước đầu, cả nước đã có thể giảm được hơn 3.100 đầu xe công.

Quy định về khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công cũng đã và đang được một số bộ ngành, địa phương nghiên cứu áp dụng (như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, TP. Hà Nội…). Kết quả bước đầu cho thấy cơ chế khoán xe công góp phần tiết kiệm chi ngân sách, được dư luận, nhân dân đồng tình.

Để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong gần 2 năm triển khai Quyết định số 32, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Trong dự thảo, Bộ Tài chính dự kiến khoán kinh phí bắt buộc đối với các chức danh từ Thứ trưởng trở xuống có tiêu chuẩn xe đưa đón từ nhà đến cơ quan.

Một nội dung khác cũng có tác động lớn đó là việc Bộ Tài chính đề nghị khoán tự nguyện kinh phí sử dụng phương tiện khi đi công tác trong nội tỉnh, thành phố hoặc bố trí xe phục vụ công tác chung (nếu có) với chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 và các chức danh được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước.

Có hai phương án xác định mức khoán kinh phí được đưa ra là: đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng hoặc khoán xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác.

Theo Hồng Vân

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên