Tôi vẫn nhớ khoảng 5 năm trước, một người bạn nước ngoài của tôi đã rất thiết tha và mong mỏi được uống một món cafe mà theo cậu ấy miêu tả là: “Một sự thú vị khá kì lạ - cafe với trứng”. Lúc đó là sau khi cậu bạn tôi vô tình đọc được bài viết trên một trang blog nổi tiếng: Legal Nomads, viết về món cafe trứ danh ở Giảng của người Hà Nội. Đây cũng là một trong những bài viết được yêu thích nhất của trang blog này, với khoảng hơn 103 bình luận.
Mãi đến 4 năm sau (tức là khoảng đầu năm 2017), khi trang báo CNN nổi tiếng đăng một bài viết về cafe trứng, thứ đồ uống này lại một lần nữa trở thành một “đặc sản" của thủ đô, một món mà người ta nhất định phải thử khi đến Hà Nội, bên cạnh phở. Mà để nhắc về cafe trứng thì còn cái tên nào nổi tiếng hơn cafe Giảng nữa đâu nhỉ?
Có lẽ khi người đầu bếp tài hoa năm nào của Metropole đau đáu đi tìm một hương vị cafe phù hợp với điều kiện kinh tế của người Việt vào những năm 1940, ông sẽ chẳng thể nào ngờ được rằng món cafe đó của ông sau hơn 60 năm lại trở thành một “đặc sản" của người Hà Nội.
Chỉ mong muốn người Việt mình có thể thưởng thức những tách cafe thơm ngon với một mức giá hợp lý, cụ Giảng đã nghiên cứu tìm những nguyên liệu có thể thay thế được phần sữa trong món cafe, bởi lẽ thời bấy giờ, sữa là một thứ gì đó khá xa xỉ.
"Sinh thời, bố tôi pha cappuccino rất ngon. Ông bảo, váng sữa để làm cappuccino được chưng cất từ sữa tươi nguyên chất nên đắt đỏ. Khi mà người Việt mình vẫn còn phải trăn trở cái ăn cái mặc hàng ngày thì người ta lấy đâu ra tiền uống cafe. Chính vì vậy nên bố tôi đã dành rất nhiều thời gian để sáng tạo một món cafe dành riêng cho người Việt, mà theo ông mô tả là phải ngon hơn cả cappuccino của người Pháp nhưng lại phải rẻ hơn gấp 15 lần để dân mình, ai cũng có quyền thưởng thức", ông Nguyễn Chí Hòa (SN 1955, chủ quán cafe Giảng trên phố Nguyễn Hữu Huân) kể lại. Và thế là cafe trứng ra đời sau bao công sức và tâm huyết của cụ Giảng.
Nhưng để đạt được sự công nhận như ngày nay, món cafe này cũng đã phải trải qua không ít thăng trầm. Cái hồi người ta còn mải bộn bề với bao nỗi lo cuộc sống, hầu hết mọi người đều thờ ơ với món đồ uống xa lạ này. Mãi cho đến khi cuộc sống được cải thiện hơn một chút, con người ta mới quan tâm đến đời sống tinh thần quanh mình hơn và để rồi đến bây giờ, món cafe trứng ở Giảng đã đứng “sừng sững" như một tượng đài, sánh ngang với các món “đặc sản" đậm nét văn hoá khác.
Ta có thể tự hào khi nói cafe trứng của cụ Giảng, của người Hà Nội tuy không phải là một món độc nhất trên thế giới, nhưng đó là món cafe với trứng được yêu thích nhất. Bởi lẽ sự kết hợp giữa trứng với cafe không phải là chỉ ở Việt Nam mới có. Như ở nước Áo xa xôi, người ta cũng phục vụ cafe với trứng (món này gọi là Kaisermelange), họ phục vụ cùng lòng đỏ trứng sống với mật ong hoặc đường và người ta sẽ hoà trứng cùng với cafe khi uống. Nhưng nếu bạn tìm thông tin về cafe trứng trên mạng, món cafe trứng của Việt Nam luôn là món đứng đầu trong top tìm kiếm và cũng là món được báo chí viết về nhiều nhất.
Câu chuyện về cụ Giảng sáng tạo ra món cafe trứng chẳng phải là mới, nhưng cứ mỗi khi nhắc về nó, mọi người đều không khỏi trầm trồ. Trầm trồ vì một người đầu bếp tâm huyết với cái ăn, cái mặc của mọi người và cũng trầm trồ vì sự sáng tạo đầy xuất sắc, biến một món uống đậm chất “Tây” thành cái gì đó rất riêng, rất đặc biệt của người dân mình.
Một tách cafe trứng ở Giảng chỉ gồm 2 yếu tố: lớp kem trứng và cafe đen. Chẳng biết với mọi người thế nào, nhưng với tôi, món kem trứng này gợi lại thật quá nhiều kỉ niệm. Nhớ mãi cái hồi tôi còn bé, vào đúng 1 lần tôi bị ốm, mẹ làm món trứng đánh kem cho tôi uống. Mẹ bảo: “Hồi xưa mẹ bé, nhà nghèo chẳng có mấy mà ăn. Mà đánh trứng hồi đó cũng cực khổ lắm, chẳng có những dụng cụ đánh trứng chuyên nghiệp như bây giờ. Hồi chỉ dùng độc một cái que tre, đánh rất lâu, rất lâu mới có thể cho ra một cốc trứng đánh kem loãng loãng, cũng không được bông như sau này”.
Để cẩn thận hơn, mẹ còn cho cả nước sôi vào, kết quả rõ ràng là cốc trứng đánh đó tanh ngòm, ám ảnh tôi đến tận khi lớn. Mãi đến sau này, khi theo bạn bè đến Giảng, và sau một hồi động viên của chúng nó, nỗi sợ kem trứng mới không còn đeo bám tôi nữa. Từng thìa từng thìa, một chút mềm mại với lớp kem trứng béo ngậy kết hợp cùng chút dư vị đắng thơm đầy sắc cạnh của cafe, tất cả tạo nên một tổng thể thú vị và bất ngờ.
Một cốc cafe trứng ở Giảng rất đỗi “bình dân": chỉ khoảng 25k/ cốc, bao năm vẫn vậy. Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy so với các hàng cafe khác, định lượng cốc cafe trứng của Giảng có lẽ là nhỏ nhất, chỉ to hơn tách Espresso có 1 chút thôi. Nhưng nếu ngẫm kĩ, bạn sẽ thấy rằng cafe trứng vốn ngậy, nếu bạn uống quá nhiều sẽ rất dễ bị ngấy quá mức và đâm ra thành “sợ" món đồ uống này. Vậy nên một ly nhỏ cafe đó có lẽ là vừa đủ. Vừa đủ để bạn còn thấy “thòm thèm" và muốn quay lại những lần sau.
Phần đông người nước ngoài nói rằng họ “sợ” thứ cafe của chúng ta. Một thứ cafe đắng ngắt và đầy mạnh bạo, chẳng mềm mại và nhẹ nhàng như cafe Ý. Nhưng với cafe trứng, nhận xét này lại hoàn toàn khác. Với cafe trứng, trong cái vị đắng mạnh bạo của cafe lại có chút dịu dàng của phần trứng thơm ngọt, trong đắng mà có ngọt.
Tôi cứ nhớ mãi một phép so sánh cực thú vị mà tôi từng được đọc trong một bài viết về Giảng về sự dung hợp này: “Sự tương phản ngọt ngào này giúp tôi cân bằng hơn khi nghĩ về cuộc sống vốn có những mâu thuẫn nhiều khi tưởng khó dung hoà…”
Người nước ngoài đến Giảng rất đông. Có người hào hứng khám phá một nét riêng của văn hoá Hà Nội, nhưng cũng có những người đến vì nghi ngờ lời khen ngợi của những người khác, nghi ngờ tại sao trứng lại có thể kết hợp nhuần nhuyễn với cafe đến thế. Để rồi sau này ông Hoà vẫn hay kể câu chuyện về một cặp bố con đến Giảng, đánh cược số tiền gấp 10 lần của một cốc cafe để chứng thực rằng món này vô cùng bất hợp lý, và cuối cùng là chấp nhận thua cuộc trong sự phấn khích về món độ uống đặc biệt này.
Ngay đến cả những trang báo, trang tin nổi tiếng của nước ngoài như CNN, Buzzfeed cũng không thể bỏ qua “cơn sốt” về món cafe trứng của người Hà Nội. Có chăng là bởi lớp kem trứng ngọt thơm, béo ngậy thậm chí còn có hơn cả lớp bọt sữa trong cafe Ý đã giúp trung hoà bớt “sức nặng” của cafe Việt Nam. Để rồi người ta cứ yêu và nhớ vị cafe trứng đến vậy.
Cafe Giảng lâu đời là thế, nhưng cứ mỗi lần đến đây, ngoài các vị khách nước ngoài ra, tôi cũng gặp không ít các bạn trẻ. Thường là vào những buổi tối ngày thường hoặc vào các ngày cuối tuần, các bạn trẻ đến đây khá đông. Đi một mình cũng có, mà ngồi với bạn bè cũng nhiều. Người thì có lẽ là quá thèm nên vội qua uống 1 cốc rồi đi ngay, người lại thích nhẩn nha đôi ba câu chuyện cả buổi với bạn bè.
Cafe ở Giảng ngon, chẳng ai phủ nhận. Nhưng để người ta cứ tiếp tục quay lại đây, chỉ mình đồ uống có lẽ là chưa đủ. Bởi một lẽ, menu ở Giảng chẳng phức tạp, cũng không có quá nhiều món mà hầu hết tất cả chỉ các món liên quan về trứng hoặc các món khá căn bản như: cafe trứng, cacao trứng, sữa chua cacao, đậu xanh trứng... Có chăng, lâu lâu sẽ có một số món mới hơn như match trứng (trứng với bột trà xanh) hoặc mới hơn nữa thì có món trứng quế mà bác chủ quán chia sẻ là đang thử nghiệm và có lẽ sẽ bán sớm thôi. Vậy đó, cả quán cafe chẳng có gì quá đặc biệt, menu cũng chỉ hơn chục món có tí, vậy mà người ta ghé qua rồi cứ quay lại mãi thôi.
Trong cái thời điểm mà cơn sốt trà sữa mạnh mẽ hơn bao giờ hết, các quán cafe Âu đầy hiện đại và bóng bẩy xuất hiện một cách dày đặc, tôi không ngờ nhiều người trẻ lại chọn về "chốn xưa" đến vậy. Ở Giảng cũng chẳng có gì quá cầu kì, chỉ đơn giản là một căn nhà trong con ngõ hẹp cùng căn gác 2 với khoảng sân nho nhỏ, vừa đủ ngồi chứ không quá rộng. Bàn ghế cũng cực giản đơn, toàn là những chiếc bàn thấp từ lâu lắm rồi, cùng vài cái ghế đẩu, vậy là xong.
Thực ra, sẽ chẳng ngoa khi nói rằng: Về lại Giảng, cứ như là về lại ngôi nhà thời ngày xưa ấy. Một căn nhà đầy ấm cúng với khoảng sân nhỏ, một căn bếp rất "tuềnh" nhưng luôn tấp nập không ngừng nghỉ. Là những chiếc ghế gỗ dài dạng xofa mà giờ chẳng mấy nhà dùng nữa, là những cái bàn gỗ nhỏ sờn nước sơn do đã sử dụng lâu năm. Cái không gian giản dị đó dường như tạo cho người ta cái cảm giác rất nhẹ nhàng, thoải mái. Một chốn bình yên để bắt đầu ngày mới và cũng là "vòng tay" để về sau một ngày dài mệt mỏi.
Nếu đến Giảng vào buổi sáng, thường là những ngày trong tuần, bạn sẽ bắt gặp một Giảng rất trầm ngâm, rất thơ. Đọc một tờ báo, theo dõi tin mới trong ngày và nhẩn nha cốc cafe, đó dường như là thói quen của tất cả mọi người. Vào tầm chiều hoặc và các ngày cuối tuần, Giảng nhộn nhịp với sự ghé thăm của các vị khách từ phương xa, thậm chí có những người còn kéo cả chiếc vali đi cùng mình. Có chăng là ngay khi đến Hà Nội thì họ phải thử một tách cafe trứng đầu tiên hoặc đó cũng có thể là những người cố níu giữ chút hương vị Hà Nội trước khi rời thành phố này. Rồi đến tối và những ngày cuối tuần, ở Giảng xuất hiện 1 làn gió đầy tươi mới, làn gió của tuổi trẻ. Đó là những câu chuyện rôm rả chẳng dứt, là những phút giây tâm sự tình cảm nhưng cũng có khi là đôi chút trầm ngâm yên lặng. Cảm giác như trong con ngõ đó, có một Hà Nội thu nhỏ với những nét rất đặc trưng: Khi thì trầm lắng nhẹ nhàng, lúc lại tất bật nhộn nhịp.
"Hà Nội không vội được đâu!" - Người ta đến Giảng để cảm nhận một Hà Nội hơi chậm 1 chút, một Hà Nội thật giản dị giữa guồng quay vội vã của cuộc sống. Có nhộn nhịp nhưng vẫn nhẹ nhàng chứ chẳng phải là sự xô bồ. Và thêm 1 điều nữa: Người Hà Nội ấy, dù có thử nhiều thứ mới lạ như thế nào đi chăng nữa, rồi cuối cùng vẫn có lẽ sẽ là hướng về những cái xưa cũ, những cái văn hoá từ bao đời nay rồi. Như món cafe trứng vậy, có thể không phải ngày nào cũng uống được vì lớp bọt trứng khá béo và ngậy, nhưng dù thế nào đi nữa người ta cũng sẽ chẳng thể quên nổi cái hương vị này. Để rồi sau những lần thử nhiều các món đồ uống mới, ghé nhiều các hàng đồ uống thức thời, người ta lại chọn để quay về cái chốn này, để tận hưởng 1 buổi cafe nhàn nhã, thảnh thơi giữa cuộc sống đầy ồn ào và tất bật.
Trí thức trẻ